Tờ "Chính trị Thế giới" (Mỹ) cho biết cách đây ít ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã ủng hộ một kế hoạch hòa bình ở Syria. Đây là lần đầu tiên một nghị quyết về vấn đề này được tất cả các nước thành viên HĐBA LHQ, trong đó có Nga, thông qua. Theo nghị quyết trên, Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ tham gia một cách thực sự vào các cuộc thương lượng giữa các bên ở Syria.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Ông Bashar al-Assad là tổng thống hợp pháp của Syria..."
|
Lâu nay, Nga vẫn phản đối mọi cuộc can thiệp, cả về quân sự lẫn ngoại giao, nhằm buộc ông Assad phải từ bỏ quyền lực. Chính sự ủng hộ của Nga dành cho Damascus đã giúp chế độ của Tổng thống Assad tránh được việc bị cô lập hoàn toàn trên diễn đàn quốc tế, và vẫn có được sự ủng hộ nhất định về kinh tế, hậu cần và quân sự của một số quốc gia.
Tuy nhiên, người ta không thể không đặt câu hỏi rằng phải chăng việc Nga tán thành kế hoạch hòa bình kể trên có đồng nghĩa với việc Nga có bỏ rơi Tổng thống Assad? Ai cũng biết, nếu không có sự ủng hộ của Nga và của Iran, chế độ tổng thống Assad có lẽ đã sụp đổ. Tuy nhiên, có người nghĩ rằng Nga sẽ bỏ rơi Damascus, bất chấp việc Moscow vẫn tiếp tục khẳng định sẽ ủng hộ chế độ của Tổng thống Assad.
Trong cuộc gặp mới đây với Ngoại trưởng Syria Walid Al-Moallem, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói: “Chính sách của chúng tôi ủng hộ Syria, ủng hộ nhà cầm quyền Syria và nhân dân Syria vẫn không thay đổi. Ông Bashar al-Assad là tổng thống hợp pháp của Syria, nhân dân Syria được tự do lựa chọn chính phủ và nhà lãnh đạo của mình mà không có sự can thiệp của nước ngoài”. Nga cũng đã đề nghị Ả-rập Xê-út, một vương quốc giàu có ở Trung Đông luôn chống chế độ Assad, tham gia một liên minh quốc tế lớn nhằm vãn hồi hòa bình ở Syria và thành lập một chế độ quá độ, nhưng với điều kiện là ông Assad phải được tham gia các cuộc thương lượng này.
Theo các nhà phân tích, từ khi bắt đầu cuộc nội chiến ở Syria, lập trường của Nga luôn rất rõ ràng: cần phải bảo vệ lãnh thổ Syria khỏi các nhóm khủng bố, và đối với Nga, chỉ có một Nhà nước hùng mạnh mới có thể ngăn chặn được bước tiến của các phần tử cực đoan. Tuy nhiên, theo nhiều người, việc Nga ủng hộ hay không ủng hộ ông Assad còn liên quan mật thiết với mục tiêu muốn bảo vệ những lợi ích của Nga trong khu vực. Vì vậy, những diễn biến mới nhất trên chiến trường Syria rất có thể đã khiến Nga tán thành một thỏa thuận hoặc một kế hoạch quá độ, mà ở đó không có Assad nếu những lợi ích của Nga trong khu vực được bảo đảm.
Trước đó, trong một nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Syria mà không phải "mất” ông Assad, Nga đã bảo trợ nhiều hội nghị cấp cao và bảo trợ các cuộc thương lượng giữa các đại diện của chế độ và phe đối lập ôn hòa Syria. Sau những cuộc thương lượng ấy, và qua các phát biểu "nửa kín, nửa hở” của một số chính khách Nga, các đại diện của phe đối lập Syria đã nhận thấy rằng chính sách của Nga về Syria đã có những thay đổi nhất định, theo đó Nga không còn "quá tha thiết” với ông Assad nữa, và nhà cầm quyền Nga không còn "quá gắn bó” với ông Assad. Nga quan tâm đến việc bảo vệ Nhà nước Syria và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria hơn là ông Assad.
Theo giới quan sát, đúng là đã có những thay đổi nhất định trong chiến lược của Nga ở Syria, nhưng sự thay đổi này chưa đụng đến sự ủng hộ của Moscow dành cho ông Assad, cho dù những lợi ích của Nga ở Syria không hoàn toàn như trước kia nữa. Sự thay đổi về chiến lược của Nga ở Syria được giải thích bằng hai lý do:
Trước hết liên quan đến an ninh trong nước Nga, khi hơn 2.000 người Nga đã gia nhập phiến quân ở Syria (là đội quân lớn nhất đến từ các nước Châu Âu), và Nga đang chưa biết phải giải quyết vấn đề thế nào khi họ trở về. Nhất là các tay súng thánh chiến này lại đang có ý định kéo dài cuộc chiến của họ chống Tổng thống Putin.
Thứ hai, vấn đề Ukraine đã làm suy yếu phạm vi hoạt động của Nga ở Syria. Nga không thể một lúc chiến đấu trên hai mặt trận. Với tư cách là người đối thoại ưu tiên của Syria và Iran, Nga có thể giữ một vai trò trung tâm trong các cuộc thương lượng trong tương lai về tái thiết hòa bình cho Syria. Nga khuyến khích cuộc đối thoại dân tộc ở Syria, nhưng phải tuân theo hai điều kiện: Một là, các thể chế chính phủ phải được giữ nguyên vị trí, không nhất thiết dính líu đến ông Assad. Hai là, sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria không bị tổn hại. Nhưng trên thực địa, chế độ Syria đã rất suy yếu, khi cuối tháng 7 vừa qua họ phải thừa nhận rằng quân đội quốc gia đã “mệt mỏi” và có những vấn đề nghiêm trọng về quân số và hiện chỉ kiểm soát được gần 2/3 đất nước.
Và chính điều đó, theo nhận định của giới quan sát, đã và sẽ còn dẫn đến những thay đổi nhất định trong chính sách của một số quốc gia, trong đó có Nga, đối với chính quyền Damascus.