|
"Kế hoạch B" về Syria được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói một cách úp mở hồi tháng Hai năm 2016. |
Trong bài viết đăng trên trang mạng New Eastern Outlook, nhà nghiên cứu Stanislav Ivanov tại Viện Quan hệ Kinh tế thế giới và quốc tế ( IMEMO) cho rằng chính quyền Mỹ vẫn đang theo đuổi “Kế hoạch B”, chia cắt Syria thành nhiều “ốc đảo” có ban lãnh đạo trung thành với Washington và các đồng minh.
Bản chất “Kế hoạch B” của Mỹ ở Syria
Nhà nghiên cứu Ivanov viết: "Bản chất của Kế hoạch B của Mỹ là chia cắt Syria thành các ốc đảo và ly khai trên thực tế với chính quyền trung ương. Trong khi Bashar Assad vẫn nắm quyền, Washington và các đồng minh sẽ thúc đẩy tình cảm ly khai trên khắp đất nước để phá hoại mọi nỗ lực biến cuộc xung đột Syria thành quá trình hòa giải".
Theo học giả người Nga Ivanov, Washington vẫn dựa vào Quân đội Syria Tự do, đồng thời cố gắng lôi kéo các nhóm chống chính phủ khác bao gồm nhóm Turkman, “Anh em Hồi giáo” và tất cả các nhóm được cho là "Hồi giáo ôn hòa”. Ông Ivanov nhấn mạnh Washington rõ ràng nhận ra rằng kế hoạch lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thất bại.
Trong bối cảnh này, Mỹ sẽ tập trung vào việc loại bỏ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) cực đoan ở Raqqa và Mosul, đồng thời cố gắng mở rộng phạm vi kiểm soát đối với Syria.
Ông Ivanov viết tiếp: "Vào đầu năm 2016, Washington đã thúc đẩy thành lập một Liên minh Dân chủ ở các khu vực Kobane, Al-Hasakah, Al-Qamishli giành lấy nhiều thị trấn với sự hỗ trợ của không quân và lực lượng đặc biệt Mỹ. Liên minh này cũng đã chiếm được con đập chiến lược quan trọng trên sông Euphrates vốn cung cấp điện cho các thành phố và tỉnh Aleppo”.
Tuy nhiên, để thực hiện “Kế hoạch B” đánh bại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và các lực lượng Hồi giáo cực đoan khác ở Syria, Mỹ cần đạt được một thỏa thuận với Nga.
Nhà phân tích Ivanov tin rằng các cuộc đàm phán về Syria giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga cuối cùng cũng sẽ có kết quả. Tuy nhiên, Mỹ và Nga vẫn chưa đạt được thỏa hiệp về những tiêu chí để công nhận một nhóm được cho là đối lập "ôn hòa” ở Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhiều lần kêu gọi Washington tách quân nổi dậy Syria “ôn hòa” khỏi các nhóm thành chiến Hồi giáo cực đoan như Mặt trận al-Nusra, nhóm gần đây đã đổi tên thành Jabhat Fatah al-Sham.
Chính quyền Obama cũng đã không giữ lời hứa trong tháng Giêng năm 2016 về việc phân loại các nhóm được Mỹ hậu thuẫn ở Syria. Không những thế, Washington còn muốn chính phủ Syria và Nga "tránh ném bom khu vực mà các nhóm nổi dậy ôn hòa đang hoạt động” sát với địa bàn hoạt động của nhóm cực đoan Jabhat Fatah al-Sham.
Phát biểu với trang mạng truyền thông trực tuyến Vzglyad.ru của Nga, nhà phân tích Viktor Murakhovsky - một đại tá quân đội Nga đã nghỉ hưu và biên tập viên của tạp chí quân sự Arsenal Otechestva, nhấn mạnh rằng vấn đề này vẫn là trọng tâm của các cuộc đàm phán Nga-Mỹ. Ông Murakhovsky nói: “Vấn đề chính là làm thế nào để phân chia các đối thủ Assad thành ‘đối lập ôn hòa’ và thánh chiến cực đoan. Các bên cần xác định các khu vực chính xác mà Nga có thể hoặc không thể ném bom. Và qua đó, phân chia các khu vực trách nhiệm”.
Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho tình hình Syria thêm phức tạp
Theo nhà phân tích Ivanov, việc Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria đã làm cho tình tình hình thêm phức tạp. Ông cho rằng chiến dịch “Lá chắn Euphrates” của Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một phần "Kế hoạch B" của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Ông Stanislav Ivanov lưu ý đến thực tế rằng Ankara và Quân đội Syria Tự do (FSA) đang kiểm soát một khu vực dài 60 dặm và rộng 25 dặm dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Không những thế, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan tiếp tục thúc đẩy việc tạo ra một "vùng cấm bay" ở miền bắc Syria - dọc theo biên giới phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ giữa Jarablus trên bờ phía tây của sông Euphrates và Azaz. Theo Tổng thống Erdogan, động thái này có thể tạo điều kiện cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria.
Đồng thời, ông Erdogan tiến hành đàm phán với Moscow về việc ngừng bắn tại thành phố Aleppo, theo nhật báo Sabah.
Trong cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Tổng thống Erdogan nói: "Hiện thời, chúng tôi đang tiến hành hợp tác vì khu vực Aleppo. Chúng tôi đang hướng tới việc thiết lập một lệnh ngừng bắn. Chúng tôi muốn ngừng bắn bắt đầu trước ngày 12/9”.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Ankara có làm theo “Kế hoạch B” của Mỹ. Nhà báo Anton Mardasov của Svobodnaya PRESSA lưu ý đến thực tế là bằng cách tiến quân vào trong Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn việc tạo ra cái gọi là Liên bang miền bắc Syria-Rojava mà Syria Kurd Đảng Liên minh Dân chủ của người Kurd Syria (PYD) từng tuyên bố hồi tháng 3 năm 2016. PYD lãnh đạo Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) được Mỹ hậu thuẫn.
Trong bối cảnh này, chiến dịch can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã gián tiếp giúp những lực lượng đó đang cố gắng để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Nhà báo Mardasov nhấn mạnh rằng Ankara đã dịu bớt lập trường cứng rắn đối với Tổng thống Assad và vai trò của ông này trong một chính phủ Syria chuyển tiếp.
Về phần mình, nhà nghiên cứu độc lập và chuyên gia về các vấn đề Trung Đông Jean Perier từng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể tăng cường hợp tác với Nga, Trung Quốc và Iran trong khi quay lưng lại với Washington về vấn đề Syria.