Vụ đánh bom tự sát ở Istanbul khiến hàng chục người thương vong hôm 12/1 đã cho thấy lỗ hổng an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ đối với những thách thức nghiêm trọng tại một khu vực đầy hỗn loạn, nơi các phần tử khủng bố đang hoành hành.
“Đây là vụ tấn công bắt nguồn từ các hành động tội phạm của các tổ chức khủng bố hoạt động ở những quốc gia lãng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông nam, cụ thể là Syria và Iraq”, Tân Hoa Xã dẫn lời giáo sư về quan hệ quốc tế Mehmet Seyfettin Erol.
|
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tại quảng trường Sultanahmet sau vụ đánh bom tự sát ngày 12/1.
|
Giáo sư Mehmet Seyfettin Erol bày tỏ lo ngại những hậu họa đến từ các nước láng giềng có thể còn trở nên tồi tệ hơn.
“Nếu những kẻ khủng bố có khả năng thực hiện một vụ tấn công ở trung tâm tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ, đây là điều đáng lo ngại thực sự”, giáo sư Erol nói thêm.
Phó Thủ tướng Numan Kurtulmus - ngôn viên của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ - cho biết, 11 người thiệt mạng và 15 người khác bị thương, trong đó có 2 người trong tình trạng nguy kịch trong vụ đánh bom liều chết kinh hoàng ở thành phố Istanbul hôm 12/1.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tiết lộ rằng, kẻ đánh bom là một thành viên của phiến quân IS mang quốc tịch Syria.
Vụ tấn công đẫm máu bằng bom tại quảng trường lịch sử Sultanahmet, nơi thu hút lượng lớn khách du lịch trong thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều nạn nhân thiệt mạng là người Đức.
Theo Ercan Tastekin – người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược An ninh có trụ sở tại Ankara, vụ đánh bom cho thấy rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một quốc gia an toàn để đi du lịch. Ông cũng nhấn mạnh, mục địch khác của vụ tấn công là nhằm làm tổn hại ngành du lịch của nước này.
Istanbul là thành phố chiếm 1/3 tổng doanh thu ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ, với 36 triệu lượt du khách vào năm 2015.
Thổ Nhĩ Kỳ đã thu về khoảng 30 tỷ USD từ ngành du lịch vào năm 2014. Và ước tính, doanh thu từ du lịch giảm xuống 28 tỷ USD năm 2015.
Theo một cuộc khảo sát được Trung tâm nghiên cứu Pew công bố hồi tháng 11, 8% người Thổ Nhĩ Kỳ có ý kiến ủng hộ IS, trong khi 73% người dân nước này bày tỏ thái độ căm ghét nhóm khủng bố này.
Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu hàng loạt vụ tấn công đẫm máu trong những năm gần đây.
Ngày 6/1/2015, một phụ nữ đánh bom tự sát tại đồn cảnh sát ở Sultanahmet, thành phố Istanbul, khiến một cảnh sát thiệt mạng.
Vụ đánh bom tại thị trấn Suruc ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2015 đã khiến 34 nhà hoạt động cánh tả ủng hộ người Kurd thiệt mạng. Hồi tháng 10/2015, hai vụ đánh bom liều chết làm rung chuyển thủ đô Ankara, cướp đi sinh mạng của 103 người.
Tất cả ba vụ đánh bom kinh hoàng này đều do phiến quân IS thực hiện.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đối phó với các cuộc tấn công của lực lượng người Kurd.
Các đảng phái chính trị đối lập cáo buộc Đảng Công lý và Pháp triển (AKP) Thổ Nhĩ Kỳ thất bại trong việc ngăn chặn vụ tấn công chết người tại Istanbul vừa qua.
“Đảng cầm quyền AKP không có khả năng quản lý Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ đã không thực hiện những biện pháp đề phòng tại địa điểm được coi là trung tâm du lịch của Istanbul”, lãnh đạo Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) Kemal Kilicdaroglu phát biểu trước các nhà lập pháp tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12/1.
Trong khi đó, Armagan Kuloglu – một chuyên gia phân tích an ninh và cựu chỉ huy quân đội – nhận định, khi Thổ Nhĩ Kỳ cho phép hàng triệu người Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ, các phần tử IS có thể xâm nhập vào nước này qua biên giới.
“Để ngăn chặn các tay súng khủng bố vào nước, cửa khẩu biên giới (Syria-Thổ Nhĩ Kỳ) cần phải được kiểm soát chặt chẽ”, chuyên gia Armagan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, phó Thủ tướng Kurtulmus khẳng định không hề có bất kỳ lỗ hổng an ninh hay tình báo nào trong vụ đánh bom Sultanahmet, Istanbul.
Ông nhắc lại rằng, cảnh sát Thổ Nhĩ kỳ đã bắt giữ thành công hai kẻ tình nghi IS ngày 30/12/2015 vì âm mưu tấn công liều chết tại Ankara vào đêm Giao thừa.
Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ hiện có 2,5 triệu người tị nạn, trong đó hầu hết là người dân Syria.