Thỏa thuận mật này được CNN đưa ra ánh sáng trùng thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có chuyến thăm 4 ngày đến Kuwait, Qatar và Ả-rập Xê-út bắt đầu từ hôm 10/7 để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh.
Trong phản hồi với CNN, Qatar cáo buộc Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vi phạm tinh thần của thỏa thuận giữa những nước này và “vô cớ tấn công vào chủ quyền của Qatar”.
|
Quốc vương Ả-rập Xê-út, Qatar và Kuwait đã cùng ký thỏa thuận đầu tiên được viết tay và có từ ngày 23/11/2013. Văn bản này còn được biết đến với cái tên Thỏa thuận Riyadh. Ảnh: CNN |
Nội dung Thỏa thuận Riyadh là cam kết tránh can thiệp vào công việc nội bộ của các nước vùng Vịnh, bao gồm không được hỗ trợ tài chính và chính trị cho các nhóm “lầm đường lạc lối” - cụm từ dùng để miêu tả các nhóm chống chính phủ.
Thỏa thuận đặc biệt nhấn mạnh không hỗ trợ tổ chức Anh em Hồi giáo và các nhóm đối lập tại Yemen có khả năng đe dọa tới các quốc gia này. Được biết, Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain, UAE và Yemen đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vào ngày 5/6 kèm cáo buộc rằng nước này hỗ trợ khủng bố trong đó có Hezbollah và tổ chức “Anh em Hồi giáo”.
Trong thỏa thuận đầu tiên này, các quốc gia cũng cam kết không hỗ trợ “truyền thông đối kháng” dường như để ám chỉ Al Jazeera-kênh truyền hình có trụ sở tại Qatar và được chính phủ nước này tài trợ. Các quốc gia vùng Vịnh đã cáo buộc Al Jazeera tuyên truyền cho các nhóm đối lập tại Ai Cập và Bahrain.
Thỏa thuận thứ hai được đánh dấu “tối mật” và có từ ngày 16/11/2014 với thêm sự tham gia của Quốc Vương Bahrain, Thái tử của Tiểu vương quốc Abu Dhabi (thuộc UAE) và Thủ tướng UAE.
Nội dung thỏa thuận nhấn mạnh cam kết ủng hộ sự ổn định của Ai Cập, bao gồm ngăn chặn khả năng các nhóm và cá nhân chống đối chính phủ Ai Cập sử dụng Al Jazeera. Sau khi thỏa thuận này được ký kết, Al Jazeera đã chủ động đóng một kênh chuyên đưa tin về Ai Cập là Al-Jazeera Mubashir Misr.
Một tài liệu bổ sung cho thỏa thuận 2013 đã được ký bởi Ngoại trưởng các quốc gia bàn về việc thực thi văn bản này. Trong đó bao gồm điều kiện không hỗ trợ Anh em Hồi giáo cũng như các nhóm đối lập tại Yemen và Saudi Arabia có tiềm năng đe dọa tới an ninh, ổn định của các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh gồm Qatar, Kuwait, Bahrain, Saudi Arabia, Oman và UAE.
Người trong cuộc lên tiếng
Khi CNN đặt câu hỏi, ông Sheikh Saif Bin Ahmed Al-Thani là giám đốc văn phòng truyền thông của chính phủ Qatar khẳng định chính Saudi Arabia và UAE mới là bên đã phá vỡ tinh thần của thỏa thuận.
Ông Al-Thani nhận định: “Yêu cầu của họ rằng Qatar đóng cửa Al Jazeera và trả bồi thường không nằm trong phạm vi thỏa thuận năm 2013. Cả Saudi Arabia và UAE đều không sử dụng cơ chế trong thỏa thuận đó để bày tỏ lo ngại của họ tới Qatar”.
Ông Al-Thani cho rằng "tối hậu thư" gồm 13 yêu cầu mà bốn quốc gia Arab gửi Qatar ngày 22/6 muốn Doha phải thực hiện để chấm dứt khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh là “vô cớ tấn công chủ quyền của Qatar”.
“Cuộc khủng hoảng này bị châm ngòi bởi các phát ngôn bịa đặt, chiến dịch truyền thông có thông đồng để chống lại Qatar. Từ đầu, Saudi Arabia và UAE đã cố gắng che giấu sự thật khỏi công chúng và cả người dân tại đất nước họ rồi đi quá đà bằng việc chặn Al Jazeera và các hãng truyền thông khác trên lãnh thổ của họ”, ông Al-Thani bày tỏ.
Sau khi thông tin về các thỏa thuận 2013, 2014 được CNN công bố, Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cùng đưa ra thông cáo chung vào ngày 10/7 cho rằng các văn bản thỏa thuận “xác nhận Qatar thất bại trong việc thực hiện cam kết đồng thời vi phạm các cam kết”. Bốn quốc gia này cho rằng 13 yêu cầu thuộc danh sách gửi tới Qatar đã được nhắc đến trong Thỏa thuận Riyadh.
Các thỏa thuận từ 2013 và 2014 này phần nào bộc lộ căng thẳng lâu dài giữa các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh.
Tháng 3/2014, Saudi Arabia, UAE và Bahrain triệu hồi đại sứ của họ tại Qatar về nước bởi nghi ngờ rằng Doha chưa tuân theo điều khoản trong Thỏa thuận Riyadh là không can thiệp công việc nội bộ quốc gia khác.
Hai thỏa thuận này dường như là nỗ lực để cải thiện quan hệ giữa các quốc gia có đại diện đặt bút ký. Trong Thỏa thuận Riyadh có nội dung các bên đồng ý loại bỏ “bất cứ điều gì làm vẩn đục những mối quan hệ”.
Danh sách 13 yêu cầu mà Saudi Arabia, Bahrain, UAE, Ai Cập muốn Qatar phải thực hiện bao gồm việc Doha cắt quan hệ ngoại giao với Iran, đóng căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ nước này và đóng cửa hãng tin Al Jazeera.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đã gọi những yêu cầu trên vi phạm luật quốc tế. Ông Al Thani bức xúc: “Nếu xem xét các yêu cầu này, có cáo buộc là Qatar hỗ trợ khủng bố vậy mà họ lại muốn chặn tự do ngôn luận, yêu cầu đóng cửa hãng truyền thông, trục xuất người…”