Hội nghị thượng đỉnh Trung-Mỹ: “Đồng sàng, dị mộng”

Google News

(Kiến Thức) - Theo các nhà phân tích, bất đồng Trung-Mỹ không thể xóa bỏ "một sớm, một chiều" và tổng hòa hai "giấc mơ" có thể là "ác mộng".

 Tổng hòa hai "giấc mơ" có thể trở thành "ác mộng".

Có thể nói rằng sau hội nghị thượng đỉnh không chính thức Obama-Tập Cận Bình, “giấc mơ Mỹ” và “giấc mơ Trung Hoa” vẫn là hai đường thẳng song song không có điểm giao nhau và đôi khi còn chạy theo hai hướng trái ngược.

Những tuyên bố của các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc cũng như của các phụ tá của họ tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức 2 ngày ở California cho thấy bất đồng giữa hai nước vẫn còn rất sâu rộng.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có xu hướng tổng hợp các mối quan hệ của Trung Quốc với các nước khác với một khẩu hiệu mơ hồ, trong khi Mỹ lại xác định quan hệ song phương dựa trên kết quả trao đổi thực tế, học giả Minxin Pei nói với trang web tiếng Trung của đài BBC.

Học giả Minxin Pei, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Keck của Đại học McKenna ở Claremont, cho biết Mỹ không coi quan hệ với Trung Quốc là quan hệ đối tác chiến lược hoặc hợp tác chiến lược. Thay vào đó, Mỹ sẽ đánh giá quan hệ song phương dựa trên hành động thực tế, chẳng hạn như liệu các cuộc tấn công mạng từ phía Trung Quốc có giảm đáng kể sau hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở California hay không.

 Phía Mỹ thích hành động cụ thể hơn khẩu hiệu suông.

Ông Minxin Pei nói rằng Mỹ thích hành động cụ thể hơn khẩu hiệu suông, và đối với Triều Tiên, Washington sẽ quan tâm đến những hành động cụ thể của Bắc Kinh về vấn đề này.

Về cuộc họp kéo dài hai ngày với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng hội nghị thượng đỉnh này là “một điểm khởi đầu lịch sử mới” và Trung Quốc tìm cách xây dựng một “mô hình mới của quan hệ nước lớn” với Mỹ, theo New York Times.

Trong khi đó, Tổng thống Obama tỏ ra thận trọng hơn, khi nói rằng có "rất nhiều việc phải làm để biến những nhận thức sâu rộng thành những hành động cụ thể”. Ông yêu cầu “các cuộc thảo luận không chỉ diễn ra trong ngày hôm nay và ngày mai, mà phải diễn ra trong nhiều tuần, nhiều tháng và nhiều năm tới”.

Nhà báo cao cấp Lawrence Chiu của hãng tin CNA (Đài Loan), một phóng viên thường trú ở Bắc Kinh, nói rằng Mỹ và Trung Quốc đang tranh giành quyền lực ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Không những thế, Trung Quốc đang ráo riết tiến vào Châu Phi và Mỹ Latinh, vốn được coi là “sân sau của Mỹ”.

Nhà báo Lawrence Chiu cho rằng khái niệm  “mô hình mới của quan hệ nước lớn” của Chủ tịch Tập Cận Bình khó có khả năng giảm bớt sự cạnh tranh giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc.

Một vấn đề từ lâu đã là “cái gai” trong mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc là Đài Loan. Nhưng xem ra, vấn đề này hầu như không phải là chủ đề gây tranh cãi chính tại hội nghị thượng đỉnh California.

Stephen Chen, người từng làm đại diện Đài Loan tại Mỹ, nói rằng ông không thấy những ý tưởng mới về Đài Loan phát sinh trong cuộc họp giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông cũng cho rằng hội nghị thượng đỉnh này ảnh hưởng đến doanh số bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan.

Chen Chien-jen, cũng từng là đại diện Đài Loan tại Mỹ, nói rằng hai nhà lãnh đạo Trung-Mỹ tái khẳng định lập trường vốn có về vấn đề Đài Loan, nhưng không tìm kiếm những điểm tương đồng.

Cách tiếp cận này cho thấy Đài Loan không phải là vấn đề cấp bách nhất trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh không chính thức Obama-Tập Cận Bình ở California  và Chen Chien-jen cho rằng cuộc họp này không có ảnh hưởng trực tiếp đối với Đài Loan.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Lê Chân (theo WantChinaTimes)

Bình luận(0)