Tuy nhiên, ngay sau khi oanh tạc các vị trí của IS ở Syria, Ankara đã nhanh chóng chuyển hướng sang tấn công PKK (Đảng Công nhân người Kurd) ở Iraq và Lực lượng Tự vệ người Kurd (YPG), một nhánh của PKK tại Syria, bất chấp việc YPG là một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Đó có thể là một sai lầm chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.
|
Thổ Nhĩ Kỳ liên minh với Mỹ tiến hành không kích phiến quân IS ở Syria và lực lượng PKK ở Iraq. |
Đấu đá nội bộ
Quyết định tấn công PKK mang nhiều lý do chính trị hơn là quân sự. Nó nhằm củng cố vị thế của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền trước thềm các cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn sẽ diễn ra trong vài tháng tới ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy vậy, chiến thắng này (nếu đạt được) sẽ là mong manh bởi hệ lụy từ cuộc chiến tại Syria sẽ tiếp tục đe dọa vùng biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến một giải pháp cho cuộc xung đột đã kéo dài hơn bốn năm qua trở nên khó khăn hơn.
Phản ứng với động thái của chính quyền Ankara, PKK khẳng định việc ném bom các mục tiêu ở miền bắc Iraq là “sai lầm quân sự và chính trị nghiêm trọng nhất” mà Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và đảng của ông này phạm phải. Lệnh ngừng bắn mong manh giữa PKK và Ankara kéo dài suốt ba năm qua và tiến trình kiến tạo hòa bình gian nan mà hai bên theo đuổi cùng thời gian đó có nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn. Sau các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ, PKK đã tuyên bố: “Các điều kiện để duy trì lệnh ngừng bắn đã bị phá hủy”.
Có thể nói tình hình hiện nay là hệ quả mà Tổng thống Erdogan phải gánh chịu từ sau chiến thắng không trọn vẹn của cuộc bầu cử quốc hội diễn ra hồi tháng Sáu vừa qua. Theo đó, lần đầu tiên trong hơn 10 năm trở lại đây, AKP của ông đã mất đa số ghế trong Quốc hội. Sự nổi lên của những lực lượng ủng hộ PKK đã đưa Đảng Dân chủ nhân dân (HDP) lần đầu tiên có đại diện trong quốc hội. Chiến thắng của đảng này, theo giới phân tích, là hệ quả của việc Tổng thống Erdogan đã nỗ lực tham gia tiến trình hòa đàm kéo dài từ năm 2013 với thủ lĩnh của PKK Abdullah Ocalan. Triển vọng về một thỏa thuận hòa bình với PKK đã giúp HDP, vốn trước nay vẫn được xem là nhánh chính trị của PKK, bước chân vào chính trường.
Phải chia sẻ bớt quyền lực và cảm thấy bị phản bội, Tổng thống Erdogan bắt đầu triển khai các bước đi làm suy yếu đối thủ bằng cách tấn công PKK ở trong nội địa lẫn nước ngoài. Chính quyền Ankara hầu như không có động thái nào ngăn IS tấn công những người ủng hộ PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời từ chối hòa đàm với lực lượng này.
Bằng chứng là cuộc đánh bom liều chết do IS tiến hành hôm 20/7 ở thị trấn biên giới Suruc khiến 32 nhà hoạt động thân PKK thiệt mạng. Phía PKK cho rằng các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã lơ là và thậm chí tiếp tay cho vụ thảm sát trên. Dù giả thuyết đó có đúng hay không, nhưng thực tế là sau vụ tấn công, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức tuyên chiến với IS.
Các chiến binh người Kurd đã đáp trả lại bằng cách giết hại cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ và kích động dân chúng nổi loạn, đặc biệt ở khu vực phía đông nam nơi có đông người Kurd sinh sống. Những diễn biến đó đã khiến người dân Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng về tình hình an ninh đất nước.
Rất nhanh chóng, ông Erdogan đã trấn an các cử tri trước mối đe dọa khủng bố Hồi giáo bằng cách cho phép Mỹ sử dụng căn cứ không quân để tấn công phiến quân IS. Đây là một bước ngoặt lớn trong sách lược với khu vực của Ankara. Tiếp đó là quyết định trực tiếp tấn công các phần tử khủng bố IS ở Syria, rồi nhanh chóng thay đổi mục tiêu oanh tạc vào các vị trí của người Kurd ở miền bắc Iraq.
Ở trong nước,Ankara tăng cường hoạt động trấn áp “tội phạm”. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ngày 27/7 cho biết nước này đã bắt giữ 1.050 người trong cuộc đàn áp các nhóm phiến quân, bao gồm IS, PKK và nhóm DHKP-C cực tả trong những ngày gần đây, trong đó có 50-60 người nước ngoài.
Và các biện pháp trên đã phát huy tác dụng. Nó giúp làm cô lập lãnh đạo HDP có chủ trương hòa đàm là Selahattin Demirtas, làm suy giảm sự ủng hộ của những người dân tộc thiểu số khác ở Thổ Nhĩ Kỳ đối với HDP trước khi diễn ra bầu cử trước thời hạn.
Chiến tranh trước ngõ
Trong thời gian tới, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẽ tìm kiếm thỏa thuận về vai trò của nước này trong liên minh chống IS. Những chi tiết về thỏa thuận giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa được tiết lộ nhưng dù bất luận thế nào, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép YPG kết nối được các vùng lãnh thổ dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.
Mục tiêu của Ankara là nhằm ngăn PKK thành lập một chính phủ của khu vực người Kurd ở Syria, giống như chính phủ khu vực tự trị người Kurd ở bắc Iraq. Trong con mắt của các cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, điều này là ranh giới đỏ. Vì nếu PKK thiết lập được một vành đai lãnh thổ tại Syria, điều đó sẽ khuyến khích chủ nghĩa ly khai nảy nở, làm suy yếu khả năng kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ đối với lực lượng người Kurd. Tóm lại, Thổ Nhĩ Kỳ cần và muốn có tiếng nói quan trọng trong việc định hình tương lai của người Kurd và các chiến dịch mà lực lượng này triển khai ở Syria.
Tuy nhiên, việc tấn công IS ở Syria sẽ là nhiệm vụ bất khả thi với Ankara nếu thiếu sự hợp tác của PKK và YPG. Các chiến binh ủng hộ PKK tại Syria hiện nay đang cung cấp thông tin tình báo quan trong về các mục tiêu giúp Mỹ không kích trúng đích. Ở một quốc gia như Syria, Mỹ và đồng minh không có nhiều lựa chọn trong việc triển khai hoạt động tình báo và lựa chọn đối tác ngoài nguồn tin đáng tin cậy từ thực địa của người Kurd.
Ngoài ra, PKK cũng cung cấp bộ binh để tràn vào các vùng lãnh thổ mà IS bỏ lại sau các chiến dịch tấn công của Mỹ. Thiếu sự hỗ trợ này, chiến dịch không kích sẽ chỉ có tác dụng rất hạn chế trong khi Mỹ, đồng minh và cả Thổ Nhĩ Kỳ vẫn từ chối đưa bộ binh can dự trực tiếp vào Syria.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tham gia liên minh chống IS của Mỹ và nhất là chiến dịch không kích IS, phiến quân người Kurd mà nước này đang tiến hành sẽ kéo theo những hệ lụy nguy hiểm. Trước hết là, việc quá tập trung vào IS và PKK sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây xa rời lợi ích chiến lược mà họ theo đuổi: chấm dứt cuộc xung đột tại Syria. Bất kỳ lối thoát lâu dài nào cho cuộc xung đột Syria sẽ chắc chắn cần gắn với vấn đề lãnh thổ của người Kurd. Nhưng cuộc tấn công vào người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành hiện nay sẽ chỉ làm trì hoãn khả năng này.
Xét về động cơ của các bên khi vào liên minh, Mỹ coi Syria là một nguồn gốc của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, đe dọa sự ổn định của Trung Đông và sự an toàn của phương Tây. Trái lại, Thổ Nhĩ Kỳ lại lo ngại rằng đất nước này sẽ trở thành một công cụ giúp người Kurd bành trướng. Khi liên minh chống IS can dự sâu hơn vào Syria, các mục tiêu của từng thành viên của liên minh sẽ ngày càng trở nên khác nhau. Do vậy, nếu các bên chưa thống nhất với nhau về mục tiêu chung, cuộc xung đột tại Syria có nguy cơ tiếp tục kéo dài và thậm chí lan rộng.