Tài liệu mật này chứa đựng nhiều thông tin từ cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ về nước ngoài “hỗ trợ một số tên không tặc gây ra vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001”.
|
Hình ảnh không tặc cướp máy bay chở khách đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York này 11/9/2001. Ảnh jewishbusinessnews.com |
Bob Graham, người từng là đồng chủ tịch của một nhóm điều tra lưỡng đảng, và những người khác nói rằng tài liệu này chứa đựng một số nghi ngờ Ả-rập Xê-út. Tổng thống Barack Obama đã ngụ ý rằng Nhà Trắng có thể sớm công bố ít nhất là một phần của tài liệu mật này. Ông Obama cũng cho biết giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia James Clapper đã xem xét kỹ tài liệu nói trên.
Ông Bob Graham nói trong chương trình “Gặp gỡ báo chí” (Meet the Press) của kênh NBC: "Tôi hy vọng rằng quyết định này là nhằm tôn vinh nhân dân Mỹ... Các câu hỏi quan trọng nhất của sự kiện 9/11 chưa được trả lời là liệu 19 kẻ khủng bố tự tiến hành âm mưu rất tinh vi này hay có sự hỗ trợ?"
Cựu nghị sĩ Dân chủ Tim Roemer, thành viên tham gia cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ và của Ủy ban 9/11, đã đọc kỹ tài liệu mật này 3 lần và nói tài liệu 28 trang này là một “báo cáo sơ bộ của ngành cảnh sát”.
Ông Roemer nói: "Có một số manh mối. Có những cáo buộc và có những báo cáo của nhân chứng. Có bằng chứng về những tên không tặc, về những người mà chúng đã gặp ... tất cả những thứ mà Ủy ban 9/11 sau đó đã được giao nhiệm vụ rà soát và điều tra".
Mười lăm trong số 19 kẻ không tặc trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 là công dân Ả-rập Xê-út. Chính phủ Ả-rập Xê-út cho biết chính phủ này đã bị "cáo buộc đồng lõa một cách oan uổng và bệnh hoạn” liên quan đến các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở nước Mỹ. Ả-rập Xê-út đã tích cực đấu tranh với các phần tử cực đoan và đã kiểm soát chặt chẽ các kênh tài trợ cho các phần tử khủng bố. Tuy nhiên, từ lâu, Ả-rập Xê-út đã tuyên bố sẽ hoan nghênh việc giải mật 28 trang tài liệu nói trên vì nó sẽ cho phép nước này “bác bỏ mọi sự cáo buộc một cách rõ ràng và đáng tin cậy”.
Các trang này đã được giữ lại từ báo cáo dày 838 trang, theo lệnh của Tổng thống George W. Bush - người đã nói rằng việc công bố có thể tiết lộ nguồn tin và phương pháp tình báo. Tuy nhiên, việc bảo vệ quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Ả-rập Xê-út cũng được cho là một nguyên nhân.
Cả hai cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ và của Ủy ban 9/11 đều không có bất kỳ bằng chứng nào về việc chính phủ hoặc quan chức cấp cao Ả-rập Xê-út cố ý hỗ trợ những kẻ đã chỉ huy cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 giết chết gần 3.000 người. Nhưng ông Graham, người thân của các nạn nhân và một số nhà lập pháp Mỹ cho rằng có lý do để tìm hiểu thêm khả năng dính líu của Ả-rập Xê-út.
Cựu nghị sĩ Dân chủ Tim Roemer cho biết vẫn tồn tại nhiều nghi vấn về vai trò của Fahad al Thumairy, một quan chức lãnh sự quán Ả-rập Xê-út ở Los Angeles - người bị cáo buộc đã giúp hai trong số những tên không tặc tìm nhà ở và đi lại sau khi chúng đến miền Nam California. Al Thumairy đã bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ trong tháng 5/2003 sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng ông ta có thể có liên quan đến các hoạt động khủng bố.
Ông Roemer cũng muốn biết thêm về Omar al Bayoumi, người bị nghi ngờ là gián điệp Ả-rập Xê-út và bị cho là đã giúp đỡ những tên không tặc. Ông nói: "Chúng tôi đã không phát hiện ra ... sự dính líu của chính phủ Ả Rập ở cấp cao nhất vào các cuộc tấn công khủng bố ngày 9/11. Nhưng chúng tôi cũng không loại trừ Ả-rập Xê-út... một mảnh đất màu mỡ để gây quỹ cho al-Qaeda Một số vấn đề trước đây vẫn tiếp tục là những vấn đề của ngày hôm nay. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải tiếp tục điều tra đến tận cùng ... vấn đề này”.
Một trang web Internet mang tên 28pages.org viện dẫn các tài liệu đã được giải mật hồi tháng 6/2015, chỉ ra cách thức mà các ủy ban có thể kiểm tra những liên kết có thể của Ả-rập Xê-út.
Đó là tài liệu 47 trang liệt kê một số cá nhân bị theo dõi. Một trong số cá nhân bị tình nghi là thành viên al-Qaeda là Ghassan al Sharbi. Al Sharbi, kẻ đã học lái máy bay ở khu vực Phoenix trước ngày 9/11, đã bị bắt trong năm 2002 ở cùng địa điểm tại Pakistan với Abu Zubaydah - một huấn luyện viên al-Qaeda hàng đầu người đã bị bắt giữ và bị các thẩm vấn viên Mỹ tra khảo hàng chục lần.
Tài liệu 47 trang này nói rằng sau khi al Sharbi bị bắt, FBI đã phát hiện một số tài liệu bị chôn gần đó. Đó là bằng lái máy bay được giấu trong một phong bì của Đại sứ quán Ả-rập Xê-út tại Washington, mặc dù hiện chưa rõ liệu bằng lái này được sứ quán Ả-rập Xê-út gửi hay chỉ đơn giản là phong bì này đã được tái sử dụng.
Một báo cáo của Tổng Thanh tra CIA trong tháng 6/2015 cho biết không có thông tin tin cậy cho thấy chính phủ Ả-rập Xê-út "dính líu và hỗ trợ tài chính cho những kẻ khủng bố trước ngày 11/9/2001”.
Một dự luật yêu cầu Tổng thống Obama công bố tài liệu mật 28 trang nói trên được đưa ra tại Thượng viện và gần 30 nghị sĩ Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đã ủng hộ một nghị quyết tương tự. Hạ nghị sĩ Adam Schiff (đại diện cho bang California), thành viên đảng Dân chủ hàng đầu tại Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, đã đọc 28 trang tài liệu mật kể trên và nói rằng ông muốn số tài liệu này được giải mật để chấm dứt sự suy đoán về vấn đề này.
Việc công bố tài liệu điều tra của Quốc hội Mỹ về vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 được đưa ra vào thời điểm quan hệ giữa Mỹ và Ả-rập Xê-út đang căng thẳng. Ả-rập Xê-út vốn là đồng minh lâu năm của Mỹ. Việc công bố 28 trang tài liệu mật được dự kiến sau chuyến thăm Ả-rập Xê-út của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nơi ông đã được đón tiếp một cách lạnh nhạt, và sau khi Riyadh dọa sẽ rút khoảng 750 tỷ USD tài sản ở Mỹ. Rất có thể, quan hệ Washington-Riyadh còn trở nên xấu đi hơn nữa, mặc dù chưa có bằng chứng cho thấy chính phủ Ả-rập Xê-út dính líu đến các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở nước Mỹ.