Một vài ngày trước, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan đã tuyên bố rằng Nga không được tiếp tục sử dụng căn cứ tại Iran để đem các máy bay ném bom tầm xa tấn công vào quân nổi dậy ở Syria. Tehran không giao cho Nga căn cứ quân sự tại Hamadan.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan: Tehran không giao cho Nga căn cứ quân sự tại Hamadan. Ảnh AP |
Sau đó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi cũng khẳng định điều đó. Nga đã sử dụng căn cứ không quân Hamadan của Iran chỉ trong vòng 5 ngày.
Phía Iran đã thông qua quyết định này vì lý do gì? Liệu quyết định này có thể ảnh hưởng đến sự hợp tác Nga-Iran trong lĩnh vực quân sự?
Về chuyện này, chuyên gia phân tích chính trị kiêm nhà Iran học Vladimir Sazhin bình luận:
Tất cả đã bắt đầu rất tốt. Nga và Iran trên thực tế đã thống nhất nỗ lực để giải quyết vấn đề Syria vì lợi ích của hai nước. Ngày 16 tháng 8, các máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của Nga đã cất cánh từ sân bay Hamadan của Iran giáng đòn không kích các mục tiêu của IS ở Syria. Khi đó Bộ trưởng Hossein Dehghan đã tuyên bố rằng, các máy bay Nga sẽ cất cánh từ căn cứ không quân Hamadan "cho tới khi nào họ còn cần".
Đáng tiếc, thời gian "tới khi nào còn cần” chỉ có 5 ngày. Vì sao có sự thay đổi đột ngột như vậy?
Phải chăng Iran chỉ chạy theo lợi ích của mình trong quan hệ với phương Tây và không muốn bị coi là nước chư hầu của Nga? Không, không phải như vậy.
Trước hết phải nói rằng, sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Iran là trái với các nguyên tắc cơ bản của hệ tư tưởng và đường lối chính trị của Cộng hòa Hồi giáo Iran. Điều 146 của Hiến pháp Iran ghi rõ, cấm quân đội nước ngoài lập căn cứ trên lãnh thổ nước này, ngay cả với mục đích hòa bình. Ngoài ra còn có một yếu tố quan trọng khác. Trên thực tế, ở Iran đang diễn ra cuộc đấu tranh chính trị khá gay gắt giữa phe "cải cách và tự do" (nói chung là các chính trị gia ôn hòa) và phe cấp tiến.
Trong bối cảnh này có nhiều tranh luận về vai trò của Nga ở Syria. Một số chính trị gia rất muốn để Nga tham gia vào các hành động chiến sự quy mô lớn, để giành được chiến thắng trước các đối thủ của chế độ Bashar al-Assad, và tặng chiến thắng đó cho Iran. Họ sẵn sàng tạo điều kiện cho Moscow hành động hiệu quả hơn ở Syria. Còn những người khác cho rằng, Nga đang hoạt động quá tích cực trong khu vực, làm suy giảm vị thế của Iran. Do đó, các chính trị gia Iran chú ý theo dõi những nỗ lực của Nga nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực này nói chung và tại Damascus nói riêng. Đương nhiên, họ cho rằng, việc các máy bay Nga sử dụng căn cứ Hamadan vi phạm hiến pháp của Iran.
Thành thật mà nói, vụ việc xảy ra cũng có một phần trách nhiệm của Moscow. Rất có thể, Nga muốn để trên lãnh thổ Iran có một căn cứ quân sự với đội ngũ cán bộ kỹ thuật quân sự Nga hiện diện thường xuyên. Tuy nhiên, đối với Tehran đây là điều cấm kị. Phía Iran không muốn công bố công khai tình hình trên căn cứ Hamadan. Và chiến dịch PR khoe khoang trên các phương tiện truyền thông Nga do một số chính trị gia thiển cận tiến hành đã gây ra cơn giận dữ trong giới quân sự Tehran.
Mặt khác, Tehran cũng có hành vi không đẹp: ban đầu đã cho phép và chỉ năm ngày sau đó lại cấm. Đây là thái độ không nghiêm túc.
Tuy nhiên, cả hai bên cố gắng làm dịu tình hình. Chủ tịch Quốc hội (Majlis) Iran Ali Larijani đã tuyên bố rằng Iran không hủy bỏ quyết định cho phép các máy bay Nga xuất kích từ căn cứ không quân Hamadan.
Đáp trả lời tuyên bố khá cứng rắn của Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Moscow giải thích rằng Nga chấm dứt sử dụng căn cứ Iran vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Điều này cho thấy rằng Nga không muốn để mối quan hệ với Iran xấu đi.
Chuyên gia Vladimir Sazhin kết luận: Mặc dù chuyện với sân bay Iran là khó chịu, nhưng, điều đó sẽ không ảnh hưởng đến quá trình phát triển mối quan hệ song phương.