Chiến tranh mạng Mỹ-Trung: “Ăn cắp” bắt “kẻ trộm”

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc và Mỹ đang đấu đá quyết liệt trên vũ đài mang tên "siêu cường", trong đó hiệp đấu "chiến tranh mạng" đã bắt đầu một cách không khoan nhượng.

 Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu cuộc chiến tranh mạng.

Cáo buộc lẫn nhau


Tuy rời hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung ở Palm Springs với một loạt các thỏa thuận quan trọng: từ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đến biến đổi khí hậu, nhưng Tổng thống Obama đã thất bại trong việc thuyết phục Chủ tịch Tập Cận Bình đi đến một thỏa thuận về gián điệp mạng.

Để tránh bị nghe trộm điện tử, Chủ tịch Tập Cận Bình và đoàn Trung Quốc đã quyết định vào phút chót về việc ở lại trong một khách sạn cách xa Palm Springs. Tuy nhiên, nếu muốn ngăn chặn tình báo Mỹ truy cập vào thông tin liên lạc cá nhân, ông Tập Cận Bình cần tránh sử dụng Facebook và Gmail.

Trong những tuần gần đây, Washington và Bắc Kinh đã công khai cáo buộc lẫn nhau tiến hành  các hành động phi pháp trên mạng. Trước khi hội nghị thượng đỉnh Palm Springs, một quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh: "Để bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ, chúng tôi sẽ nêu ra với  Trung Quốc mọi mối quan ngại về sự đột nhập mạng bắt nguồn từ Trung Quốc”.

Đáp lại, chính phủ Trung Quốc phản công với những cáo buộc về các cuộc tấn công mạng của Mỹ vào nước này. Một báo cáo đăng trên  Nhân dân Nhật báo cho biết chỉ trong 5 tháng đầu năm 2013, hơn 4.000 máy chủ kiểm soát có trụ sở ở Mỹ đã "bắt cóc" 2,91 triệu máy tính lớn của Trung Quốc.

Chiến dịch giám sát toàn cầu PRISM

Trong khi đó, tin tức về một chiến dịch lớn của tình báo Mỹ thu thập thông tin từ các công ty Internet hàng đầu thế giới đã làm lu mờ mạng gián điệp và các cuộc “tấn công qua lại” giữa Mỹ và Trung Quốc.

 Cựu điệp viên CIA Edward Snowden tố cáo tình báo Mỹ theo dõi toàn cầu, vi phạm các quyền tự do cơ bản.

Chương trình PRISM là một cơ chế truy cập trực tiếp của chính phủ Mỹ vào kho dữ liệu của Google, Microsoft, Yahoo, Facebook, AOL, Apple và Paltalk. Nó cho phép tình báo Mỹ xem email, ghi lại các cuộc trò chuyện trực tuyến, hình ảnh, các cuộc gọi video… và hầu như tất cả mọi thứ từ Gmail và Hotmail lên YouTube và Skype. Theo tài liệu mật, NSA thu được gần 3 tỷ thông tin điện tử từ các máy chủ Mỹ trong vòng một tháng.

Theo thông tin tình báo bị rò rỉ, “Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã xây dựng một cơ sở hạ tầng cho phép thu thập gần như tất cả mọi thứ. Với khả năng này, phần lớn các thông tin liên lạc của nhân loại sẽ được tự động ghi lại mà không cần nhắm mục tiêu cụ thể”.

Giám đốc tình báo quốc gia James Clapper tuyên bố PRISM “tạo điều kiện cho việc thu thập thông tin tình báo nước ngoài liên quan đến các mục tiêu ở bên ngoài nước Mỹ, dưới sự giám sát của tòa án”.

Theo Đạo luật giám sát tình báo nước ngoài, Tổng thống Mỹ có quyền nhắm vào mục tiêu truyền thông nước ngoài trong vòng một năm mà không cần đến sự cho phép của tòa án. Do đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi NSA có thể thu thập 3 tỷ dữ liệu trong một tháng.

Khoảng 700 triệu người Trung Quốc đang sử dụng trên Internet, trong tổng số 2,4 tỷ người trên toàn thế giới. Nói cách khác, 29% tổng số những người dùng Internet sống ở Trung Quốc.

Chương trình PRISM đã cung cấp Bắc Kinh một cái cớ bằng vàng để biện minh cho việc tiếp tục hạn chế truy cập vào một số trang web.

Cuộc chiến trên mạng Washington và Bắc Kinh đang trở nên khốc liệt hơn, theo tố giác của cựu nhân viên CIA Edward Snowden từng tiếp xúc với các chương trình PRISM và hiện đang nương náu ở Hong Kong. Edward Snowden đã chọn Hong Kong làm nơi tiết lộ  các tài liệu mật.

Khía cạnh nguy hiểm nhất của hoạt động gián điệp mạng là bản chất khó lường của nó. Hiện không có quy định rõ ràng về sự khác biệt giữa thu thập tình báo thông thường và hành động gây hấn. Cả Bắc Kinh lẫn Washington đều có lợi ích rõ ràng trong việc xác định “vạch đỏ” để ngăn chặn tình hình leo thang, không kiểm soát được.

Tuy nhiên, để thảo luận vấn đề tối cần thiết này, hai bên phải tiến hành đàm phán bí mật.

Việc Washington cao giọng tố cáo các hoạt động mạng hiếu chiến của Trung Quốc chỉ có tác dụng làm cho Bắc Kinh tức giận và vạch trần thói đạo đức giả của Mỹ ở nước ngoài, đồng thời biện minh cho việc tăng cường  kiểm soát Internet ở trong nước.

PRISM của Mỹ và “Bức trường thành lửa” của Trung Quốc chính là dấu hiệu cho thấy những gì khủng khiếp hơn sẽ đến trong cuộc chạy đua vũ trang mạng tương lai.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Lê Chân (theo Asia Times Online)

Bình luận(0)