Đó là nhận định trong bài báo dành cho tạp chí Foreign Policy của Giáo sư Andrei Lankov từ ĐHTH Seoul, một chuyên gia nghiên cứu CHDCND Triều Tiên.
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Novorossia Today |
Giáo sư Lankov đánh giá: "Hành vi của Bắc Triều Tiên có vẻ bất thường khi nhìn từ bên ngoài, nhưng thực ra chế độ của ông Kim đang thực thi những động thái logic, cần thiết để sống còn".
Ở phương Tây người ta thường nghĩ rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un điên rồ khi đe dọa Mỹ bằng chiến tranh hạt nhân, hành hình tướng lĩnh và chi những khoản tiền khổng lồ để phát triển vũ khí hạt nhân trong bối cảnh mô hình kinh tế nghèo túng. Tuy nhiên tác giả Andrei Lankov mô tả ông Kim là "nhà duy lý không khoan nhượng", mà mục đích là không để gia tộc bị mất quyền lực.
GS Lankov chỉ ra ba mối đe dọa then chốt mà ông Kim Jong-un phải đối mặt.
Thứ nhất là đòn tấn công tiềm ẩn từ nước ngoài. Bài học khắc nghiệt đối với CHDCND Triều Tiên là Libya, năm 2003 đã từ bỏ chương trình hạt nhân của mình vì tin vào lợi ích hứa hẹn của phương Tây, nhưng tất cả đã kết thúc bằng chiến tranh và thi thể bị nhục mạ của nhà lãnh đạo Gaddafi chết thảm.
Mối đe dọa thứ hai là nguy cơ đảo chính quân sự ở trong nước. Kim Jong-un có mọi cơ sở để cho rằng các tướng lĩnh có mưu đồ chống lại ông. Gắn với điều này là những đợt thanh lọc quy mô, cũng như cái chết ở sân bay quốc tế Kuala Lumper của công dân Triều Tiên “Kim Chol”.
Mối đe dọa về cuộc nổi dậy toàn dân là mối bận tâm thứ ba của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Nền kinh tế đình trệ là vấn đề nghiêm trọng của đất nước này.
Vì thế, các biện pháp của CHDCND Triều Tiên đầy mạo hiểm nhưng "mạo hiểm" không có nghĩa là "phi lý", tác giả Andrei Lankov kết luận.