|
Sau một đêm thức dậy, người Ấn Độ đã thấy cờ Trung Quốc cắm ngay trước cửa nhà.
|
Một đêm trước khi Trung Quốc công bố Sách trắng quốc phòng vào giữa tháng 4, Bắc Kinh tuyên bố “không bành trướng quân sự” nhưng 30 binh sĩ nước này lại lén lút hành quân chặng đường dài 19 km, xâm phạm vào vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát.
Ít nhất trong 5 năm qua, quân đội Trung Quốc thường xuyên xâm phạm, đột nhập trái phép dọc theo Đường Kiểm soát thực tế (LAC) dài 3.862 km ngăn cách hai nước. Theo ước tính, Trung Quốc đã tiến hành 400 cuộc xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Ấn Độ trong năm ngoái. Từ đầu năm tới nay, Bắc Kinh đã trái phép vượt qua LAC đúng…100 lần.
Tuy nhiên, đáng nói nhất là, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1986, quân Trung Quốc “ăn vạ”, không chịu “nhổ trại” khi bị phát hiện xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ. Thay vào đó, họ cố tình dựng 3 lều trại tại đây. New Delhi nhanh chóng triệu tập Đại sứ Trung Quốc để phản đối. Lập tức, binh sĩ Trung Quốc ngang ngược đáp trả bằng cách dựng thêm 2 lều trại nữa và viết một thông điệp bằng tiếng Anh có nội dung “Các người đang ở trên lãnh thổ Trung Quốc”. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc một mực phủ nhận việc binh sĩ nước ông xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ.
Theo giới quan sát, việc Trung Quốc chọn đối đầu với Ấn Độ trong thời điểm hiện nay là điều bất thường. Trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên bất ổn; những tranh chấp lãnh thổ dai dẳng ngày càng nóng ở Biển Đông và Hoa Đông, một mặt trận mới yêu sách chủ quyền rõ ràng không phù hợp với logic chiến lược của Bắc Kinh. Một quan chức quân sự cấp cao của Ấn Độ cũng đồng tình với điều đó và nhận xét, động thái của Trung Quốc là “hành vi khiêu khích không thể lý giải nổi”.
Một số giả thuyết cho rằng sự cố xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ chỉ là hành động chủ quan của một sĩ quan quân đội Trung Quốc bốc đồng. Cũng có người cho rằng, Bắc Kinh muốn gửi thông điệp mạnh mẽ trước thềm chuyến thăm cấp cao của Ngoại trưởng Khurshid tới Bắc Kinh cũng như chuyến công du của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Delhi tháng này.
Chưa hết, không ít người dự đoán, sự cố này là “tín hiệu đầu tiên” mang hàm ý, Trung Quốc không chấp nhận các cuộc tuần tra thường xuyên và sự phát triển về cơ sở hạ tầng của Ấn Độ tại khu vực. Trong khi động cơ của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng, các tác động tiềm năng của sự cố lại được cho là rất lớn.
Tình trạng đối kháng Trung-Ấn thường được xem nhẹ hơn so với các xung đột của Bắc Kinh đối với các đối thủ trực tiếp của họ là Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt của 2 “đại gia” châu Á lại tác động tới cả lục địa và đang làm trầm trọng hơn các căng thẳng ở Trung Á, Ấn Độ Dương và Đông Nam Á. Chính những căng thẳng này khiến đầu máy kinh tế châu Á trì trệ, tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu.
Tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ bắt nguồn từ năm 1914. Năm 1962, căng thẳng giữa hai nước nổi lên bắt nguồn từ việc Ấn Độ đồng ý cho Dalai Lama, lúc đó 27 tuổi, tị nạn chính trị. Đáp lại, giới chức Trung Quốc vẽ bản đồ tuyên bố yêu sách chủ quyền đối với phần lãnh thổ tranh chấp vẫn đang do Ấn Độ kiểm soát. Trung Quốc và Ấn Độ lao vào cuộc xung đột biên giới kéo dài một tháng với chiến thắng quyết định dù thuộc về Bắc Kinh nhưng sau cuộc chiến, mọi thứ vẫn quay trở về nguyên trạng. Tình trạng đối kháng từ đó kéo dài trong nhiều thập kỷ với các xung đột nhỏ, bộc phát vẫn thường xảy ra ở khu vực biên giới chung.
Trong thế kỷ này, Trung-Ấn mới bắt đầu cải thiện quan hệ với giá trị thương mại song phương tăng từ chưa đầy 3 tỷ USD năm 2000 lên 70 tỷ USD năm 2011. Giới chức 2 bên kỳ vọng giá trị thương mại sẽ đạt 100 tỷ USD vào năm 2015.
Tuy nhiên, sự leo thang căng thẳng đỉnh điểm giữa Trung Quốc với đối tác thương mại lớn thứ 2 của họ, Nhật Bản thời gian qua như là minh chứng chứng tỏ sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế không đảm bảo một quan hệ êm ấm, hòa hợp. Những mất cân bằng thương mại có lợi cho Trung Quốc đang gây nhiều bất mãn ở Ấn Độ.
Ngoài ra, 2 cường quốc hạt nhân còn vướng vào một loạt các mâu thuẫn và bất động khác. Bắc Kinh thường xuyên chỉ trích New Delhi cung cấp nơi tị nạn cho Dalai Lama và các tổ chức chính phủ Tây Tạng bị Bắc Kinh trục xuất. Theo Bắc Kinh, điều này đồng nghĩa với việc New Delhi ngầm ủng hộ cho sự chia rẽ, tan rã lãnh thổ Trung Quốc.
Trong khi đó, Ấn Độ đang “phiền não” với kế hoạch xây dựng một loạt các đập trên sông Brahmaputra, bắt nguồn ở Tây Tạng nhưng lại chảy vào Ấn Độ. Hàng triệu người Ấn Độ phụ thuộc vào con sông này và sự cạnh tranh nguồn nước giữa 2 quốc gia có khả năng tiếp tục phát triển.
Sự bành trướng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương – khu vực được Ấn Độ xem là sân sau của mình, không có gì phải bàn cãi cũng khiến New Delhi khó chịu. Tháng trước, truyền thông Ấn Độ dẫn tài liệu mật của Bộ Quốc phòng cáo buộc tàu ngầm Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào Ấn Độ Dương.
Ngoài ra, sự cạnh tranh địa chính trị Trung-Ấn còn lan rộng sang cả Myanmar, nơi 2 nước cạnh tranh ảnh hưởng từ lâu và ngày càng trở nên phức tạp bởi sự thân thiện của Trung Quốc với kẻ thù truyền thống của Ấn Độ, Pakistan. Kết quả là, sự mất lòng tin đẩy các tranh chấp chính trị trở nên trầm trọng thêm. Một cuộc thăm dò năm 2012 do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành cho kết quả, chỉ 23 % công dân Trung Quốc và Ấn Độ có cái nhìn thiện cảm về nhau.
Nay, với sự cố binh sĩ Trung Quốc đóng quân bên trong lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát, New Delhi chắc chắn không ngồi yên. Trong các cuộc hội đàm cấp cao sắp tới của giới chức 2 nước, sự cố chắc chắn sẽ được mang ra thảo luận. Chưa dừng lại, quân đội Ấn Độ cũng sẽ cân nhắc về việc tăng cường sự hiện diện tại biên giới, tương tự như những gì họ từng làm trong các cuộc khủng hoảng trước đây.
Một số nhà bình luận chính trị Ấn Độ cũng đề xuất Delhi nên tái thảo luận về tính hợp pháp của Trung Quốc đối với Tây Tạng. Trong khi đó, một số người khác nhấn mạnh, sau sự cố, Ấn Độ nên củng cố và tăng cường quan hệ chính trị cũng như quân sự với các quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á để chống Trung Quốc.
“Delhi nên hợp tác với các quốc gia như Nhật Bản, và thậm chí, Singapore – những đối tác đang thấp thỏm quan ngại về chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc”, nhà báo hàng đầu của Ấn Độ Swapan Dasgupta nhấn mạnh.
Tóm lại, dù sự hiện diện của một số binh sĩ Trung Quốc trong lãnh thổ Ấn Độ không khiến căng thẳng Trung-Ấn leo thang và sôi sục như ở Biển Đông và Hoa Đông. Một cuộc xung đột tương tự như năm 1962 cũng sẽ khó lòng xảy ra vì cả hai nước đều không muốn kích động chiến tranh.
Tuy nhiên, nếu sớm không tìm ra giải pháp chính trị để giải quyết tranh chấp, làm dịu mẫu thuẫn và bất đồng, sự cạnh tranh và thù địch sẽ nhấn chìm quan hệ Trung-Ấn vốn được kỳ vọng phát triển theo chiều hướng tích cực trong những năm tới. Cuối cùng, nếu 2 “gã khổng lồ” châu Á chấp nhận cái kết kình địch và đối kháng lẫn nhau, cả khu vực sẽ cùng phải gánh chịu những hệ lụy tồi tệ.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU