Tổng thống đắc cử Donald Trump từng tuyên bố rằng ưu tiên số 1 của ông là hủy bỏ Thỏa thuận hạt nhân “thảm họa" với Iran. Ông Trump tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực tấn công Iran, nếu cần thiết, để ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.
|
Từ lâu, ông Donald Trump đã kêu gọi hủy bỏ Thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ảnh Time.com |
Theo các nguồn Iran của trang mạng DEBKAfile (Israel), Tehran hiện tỏ ra lo ngại về chính quyền của ông Trump hơn chính quyền Tổng thống Obama, xét về khía cạnh Mỹ can thiệp quân sự. Sau khi nhậm chức tại Nhà Trắng vào ngày 20/1/2017, Tổng thống Donald Trump có thể sẽ hành động để xóa đi hình ảnh “vịt què” của Mỹ ở Trung Đông, thông qua một cuộc tấn công “chính xác” vào một cơ sở hạt nhân của Iran. Một trong những mục tiêu lựa chọn là nhà máy nước nặng Arak để sản xuất plutonium và một căn cứ tên lửa đạn đạo của Iran.
Tổng thống đắc cử Donald Trump và phe Cộng hòa đang chi phối Quốc hội lưỡng viện chắc sẽ không dung thứ việc Iran vi phạm thỏa thuận, sau khi phía Mỹ đã “nhả ra” 150 tỷ USD thông qua việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt và tháo gỡ việc phong tỏa các tài sản.
Có lẽ, chính quyền của ông Trump sẽ viện dẫn 7 lý do sau đây để biện minh cho hành động quân sự chống Iran:
1.Ngày 2/11, một tuần trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ở Vienna báo cáo Iran vi phạm Thỏa thuận hạt nhân bằng cách sản xuất 130,1 tấn nước nặng tại nhà máy Arak, 100kg nhiều hơn mức cho phép. Trước đây, Iran thường nhanh chóng xuất khẩu số lượng nước nặng dư thừa. Nhưng trong quá trình chuyển giao quyền lực ở Mỹ, Iran có thể giữ lại số nước nặng dư thừa nói trên để nắn gân Tổng thống Mỹ thứ 45.
2. Một thách thức nữa là Iran đang đe dọa không tuân thủ Thỏa thuận hạt nhân, nếu không nhận được lợi ích kinh tế lớn hơn.
3. Theo thỏa thuận, những hạn chế hạt nhân sẽ kéo dài 7 năm. Sau đó, Iran có thể bắt đầu trở lại với chương trình vũ khí của nước này. Tehran chưa thực sự ký Thỏa thuận hạt nhân 2014. Không những thế, Lãnh đạo Iran tối cao Ayatollah Ali Khamenei từng tuyên bố: "Chính sách của chúng ta với chính phủ Mỹ kiêu ngạo sẽ không thay đổi”.
4. Thỏa thuận hạt nhân với Iran đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua. Điều này cho phép IAEA theo dõi trên thực địa để xác nhận sự tuân thủ của Iran. Tuy nhiên, do phần lớn nội dung của thỏa thuận được giữ bí mật, thật khó xác định các nghĩa vụ của Mỹ và Iran.
5. Thỏa thuận hạt nhân 2014 có khá nhiều kẽ hở. Tehran không cam kết tiết lộ thông tin về chương trình hạt nhân của nước này trước ngày ký kết thỏa thuận, trong đó có việc Tehran đã tiến xa đến mức nào trong việc phát triển vũ khí hạt nhân.
6. Thỏa thuận hạt nhân nói trên không bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo tầm xa của Iran, một chương trình đang tiếp tục phát triển nhanh chóng. Cách đây 10 tháng, chính quyền Obama đã cố gắng sửa chữa thiếu sót này bằng cách đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Iran, trừ khi nước này tự kiềm chế trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo.
7. Việc Mỹ hành động quân sự chống lại chương trình hạt nhân- tên lửa của Iran cũng có thể giúp chính quyền của ông Trump chia rẽ quan hệ đối tác Nga-Iran và vẽ một “vạch đỏ” mới ở Trung Đông. Trong trường hợp bị Mỹ tấn công, người Nga chắc chắn sẽ không can thiệp quân sự ở Iran, ngoại trừ việc có thể chia sẻ một số thông tin tình báo. Nga sẽ bị coi là không bảo vệ đồng minh của mình và qua đó sẽ vô hiệu hóa những thành quả mà Tổng thống Vladimir Putin tích lũy được ở Trung Đông, dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama.