Tháng 1/2011, UBND thành phố Đà Lạt ban hành Quyết định số 199/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của ông bà Trần Xuân Toàn - Hồ Thị Thương (phường 3, thành phố Đà Lạt - nằm trong Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm). Diện tích đất này là tài sản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trà Vườn Thương và đã có biên bản kiểm định tài sản trên đất từ năm 2010. Tuy nhiên, đã hơn 8 năm, gia đình bà Thương chưa nhận được phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư cho gia đình.
|
Toàn cảnh dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch sinh thái Hoàng Gia xây dựng tại khu vực hồ Tuyền Lâm. |
Về nội dung này, UBND tỉnh lâm Đồng đã ban hành văn bản số 3317/UBND-ĐC ngày 15/6/2016 và văn bản số 3782/UBND-VX2 ngày 20/6/2018 yêu cầu UBND thành phố Đà Lạt khẩn trương phối hợp với các ngành liên quan giải quyết dứt điểm việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, báo cáo UBND tỉnh.
Tại văn bản số 4/UBND ngày 13/7/2018 “v/v Kết luận chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với hộ ông Trần Xuân Toàn - Hồ Thị Thương và các người con cháu thuộc dự án Khu du lịch hồ Tuyền Lâm thành phố Đà Lạt” do ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt ký ban hành đã công nhận hộ ông Toàn - bà Thương chưa có phương án bồi thường.
Theo bà Hồ Thị Thương, UBND thành phố Đà Lạt chưa từng ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho gia đình. Gia đình đã gửi nhiều công văn đề nghị UBND thành phố và UBND tỉnh sớm ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để ổn định đời sống và phát triển sản xuất của đơn vị.
Sau hơn tám năm mỏi mòn chờ đợi, đến ngày 19/3/2019, UBND thành phố Đà Lạt mới ban hành Quyết định số 856 với tiêu đề là “Về việc phê duyệt bổ sung chi phí bồi thường hỗ trợ…”, phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư lần đầu để từ đó áp dụng các căn cứ pháp luật đã hết hiệu lực thi hành như: Luật Đất đai 2003, Nghị định số 197/2004/NĐ-CP (về hỗ trợ, bồi thường tái định cư) Nghị định 84/2007/NĐ-CP... Văn bản này nêu rõ: “Chi phí bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho ông bà Trần Xuân Toàn - Hồ Thị Thương với số tiền trên 1,8 tỷ đồng. Nguồn vốn do Ban Quản lý Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm chi trả và hoạch toán theo quy định”.
Theo Luật sư Lê Cao Tánh, Văn phòng Luật sư Bá Tánh, Đoàn Luật sư Lâm Đồng, về trình tự thủ tục hành chính, chính quyền thành phố Đà Lạt đã vi phạm những quy định của pháp luật. Cụ thể gia đình bà Thương có quyết định thu hồi đất từ năm 2011 nhưng mãi đến ngày 19/3/2019 mới ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường tức là ban hành sau ngày 1/7/2014 - thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, UBND thành phố Đà Lạt không áp dụng Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Như vậy, UBND thành phố Đà Lạt đã lập phương án bồi thường sai quy định pháp luật, gây thiệt hại cho người dân.
Trước đó, TTXVN đã phản ánh việc nhiều đơn vị, cá nhân có dự án, công trình xây dựng ảnh hưởng khu vực bảo vệ I của Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Hồ Tuyền Lâm là một trong những hồ nước ngọt rộng nhất tại Đà Lạt, có diện tích 320 ha và được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1998. Năm 2017, hồ được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Khu Du lịch quốc gia. Trong quá trình quản lý, địa phương đã chậm phát hiện những công trình sai phạm, thậm chí ra quyết định xử phạt sau khi công trình đã xây dựng gần một năm.
*) Tittle đã được Kiến Thức biên tập lại