|
Người dân ở khu dân cư Kỷ Nguyên phản đối công ty cổ phần Đức Khải. |
Khi chủ đầu tư xài phí bảo trì
Thông tin chủ đầu tư chiếm dụng phí bảo trì này được công bố trong văn bản số 405-2015/CTHĐQT-DA đề ngày 12/10/2015 được đại diện CĐT gửi Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 7. Văn bản này được niêm yết công khai tại Bảng thông tin Khu dân cư Kỷ Nguyên.
Theo văn bản 405, khoản tiền phí bảo trì 2% giá trị căn hộ mà CĐT đã thu từ khách hàng lên đến 47.531.188.510 đồng. Sau khi trừ “tổng số tiền chi phí để bảo trì, bảo dưỡng và phục vụ Khu dân cư theo quy trình, quy định hiện hành đến thời điểm này với số tiền tạm tính là 9.964.084.411 đồng”, thì hiện còn 37.748.107.692 đồng.
Theo quy định của Luật Nhà ở, thời gian bảo hành đối với nhà chung cư tối thiểu là 60 tháng. Thực tế, CĐT bắt đầu bàn giao căn hộ cho khách hàng từ tháng 4/2013. Nghĩa là, dự án mới đưa vào sử dụng được hai năm và vẫn còn trong thời hạn bảo hành. Như vậy, việc CĐT quyết định sử dụng khoản tiền gần 10 tỉ đồng phí bảo trì vào mục đích bảo trì là không đúng quy định pháp luật.
Mặt khác, Khoản 1 Điều 20 Quyết định 08/2008/BXD quy định “CĐT có trách nhiệm lập tài khoản tiền gửi cho từng nhà chung cư tại ngân hàng thương mại với lãi suất không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn kể từ khi đưa nhà chung cư vào sử dụng”. Trong khi đó, đính kèm văn bản số 405, CĐT trưng ra giấy Xác nhận số dư tài khoản thanh toán của Ngân hàng Bảo Việt chi nhánh Sài Gòn có nội dung Công ty Cổ phần Đức Khải có mở tài khoản thanh toán tại Bảo Việt Bank với số dư 37.748.107.692 đồng vào hồi 16 giờ ngày 12/10/2015 do Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng Lê Tố Trinh ký.
Với nội dung nêu trên cho thấy hai điểm (1) Đây là tài khoản thanh toán chứ không phải là tài khoản tiết kiệm (2) Vì là tài khoản thanh toán nên số tiền này chỉ có giá trị tại thời điểm 16 giờ ngày 12/10/2015 và hoàn toàn có thể bị rút ra. Phí bảo trì tương đương 2% giá trị căn hộ là khoản tiền của cư dân nằm ngoài hợp đồng mua bán nhằm mục đích bảo trì công trình sau khi hết thời hạn bảo hành. Khi nhận bàn giao căn hộ, khách hàng phải đóng khoản tiền này và CĐT sẽ đứng ra thu hộ, lập tài khoản tiết kiệm theo quy định. CĐT có nghĩa vụ bàn giao toàn bộ khoản tiền này cho Ban Quản trị được thành lập tại Hội nghị Nhà chung cư (HNNCC) lần thứ nhất.
Đối chiếu quy định của pháp luật với thực trạng, ông Lê Trung Phát - một cư dân ở Khu dân cư Kỷ Nguyên - nói với phóng viên: “Việc CĐT không tuân thủ quy định pháp luật là cơ sở để tôi tin rằng khi Hội nghị Nhà chung cư được tổ chức để bầu ra Ban Quản trị thì số tiền hơn 47 tỉ đồng phí bảo trì sẽ không còn nguyên vẹn để bàn giao cho Ban Quản trị”.
Lo ngại của ông Phát là hoàn toàn có cơ sở bởi tại cuộc đối thoại với đại diện cư dân cách đây hơn một năm (ngày 13/10/2014), khi bị truy vấn về quỹ bảo trì ước tính lên đến hàng chục tỉ đồng, ông Phạm Ngọc Lâm - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đức Khải - thừa nhận đã trưng dụng khoản tiền phí bảo trì vào mục đích kinh doanh. Cư dân hoàn toàn bất ngờ về câu trả lời của ông Lâm bởi lẽ, phí bảo trì là tiền của cư dân và chỉ được sử dụng vào mục đích do cư dân quyết định. Luật sư Đinh Xuân Hồng, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng có những dấu hiệu CĐT đang “sử dụng trái phép tài sản của người khác” theo Điều 142 Bộ luật Hình sự.
Tay nào che mặt trời
Theo Luật Nhà ở và QĐ số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28/5/2008 về quy chế Quản lý sử dụng Nhà chung cư “trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ nhà chung cư được bàn giao và đưa vào sử dụng và có 50% căn hộ được bán trở lên (kể cả những căn hộ do CĐT giữ lại) thì CĐT có trách nhiệm tổ chức HNNCC lần đầu. Để đảm bảo HNNCC được tổ chức đúng quy định, UBND Quận 7 có trách nhiệm đốc thúc, giám sát buộc CĐT phải thực hiện.
Thế nhưng khi đến hạn HNNCC vẫn không được tổ chức và đây chính là nguyên nhân khiến cho người dân phải đấu tranh với CĐT bằng việc gửi đơn thư kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền. Lúc này, các cơ quan chính quyền mới vào cuộc giải quyết, nhưng bằng chính hành động hời hợt của mình, không có cơ chế giám sát và đôn đốc đúng mức, đúng quy định dẫn đến việc kéo dài trong việc chỉ đạo.
Cụ thể, UBND TP.HCM, Sở Xây dựng và UBND Q.7 đã đưa ra các chỉ thị, ban hành công văn tới chủ đầu tư về vấn đề tổ chức Hội nghị Nhà chung cư như công văn số 8/SXD-QLN&CS của Sở Xây dựng ngày 25/5/2015, Thông báo số 58/TP-VP (BTCD) của UBND Q.7 ngày 12/5/2015, Thông báo số 122/TP-VP của UBND Q.7 ngày 24.7.2015, công văn số 215/UBND-QLĐT của UBND Q.7 ngày 13/8/2015. Nhưng tính đến tháng 12/2015, tức là đã 32 tháng kể từ ngày bàn giao, CĐT vẫn chưa tiến hành tổ chức HNNCC lần đầu.
Việc CĐT cố tình trì hoãn tổ chức HNNCC lần đầu để bầu ra Ban Quản trị có lẽ xuất phát từ quy định CĐT phải bàn giao tài khoản phí bảo trì cho Ban Quản trị cũng như hiệu lực cưỡng chế thi hành từ các cơ quan có thẩm quyền. Lợi ích chính đáng của hàng ngàn hộ dân bị CĐT ngang nhiên xâm hại làm lung lay niềm tin vào phép nước.
Công ty cổ phần Đức Khải luôn giương cao khẩu hiệu xây dựng Khu dân cư Kỷ Nguyên thành một chung cư kiểu mẫu theo phương châm an cư lạc nghiệp, đảm bảo an ninh trật tự, môi trường xanh sạch, nếp sống văn minh. Tuy nhiên, việc CĐT bất chấp các quy định của pháp luật đang biến khu dân cư hơn ba ngàn căn hộ trở thành điểm nóng về trật tự trị an.
Đã có một số đại diện cư dân tích cực đấu tranh với chủ đầu tư bị hành hung. Trường hợp thứ nhất là anh H, bị hai tên côn đồ chặn đánh trên đường anh H. đưa con đi học chiều ngày 8/5/2015. Hôm 26/9/2015, anh T. căng một bảng phản đối chủ đầu tư cắt nước trước Văn phòng Ban quản lý chung cư. Phương tiện phản đối của anh T. bị bảo vệ giựt mất. Khi anh T. đi theo đòi lại tài sản thì một bảo vệ khác đã đấm vào cổ anh T. Bảo vệ hành hung anh T. là cha ruột của chiến sĩ cảnh sát khu vực quản lý địa bàn Khu dân cư Kỷ Nguyên.