Quan niệm máu khỉ có khả năng như một thần dược, giúp con người "cải lão hoàn đồng" và tăng cường sinh lý nam giới đã có từ rất lâu ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Nhưng đằng sau quan niệm ấy còn là động cơ mang tính trục lợi và tàn phá thiên nhiên. Nhưng điều đáng buồn là rất nhiều người tin tưởng ở quan niệm ấy và săn lùng cho được loại máu khỉ với mong muốn trường thọ. Để rồi những cánh rừng bị tàn phá, và những con khỉ hoang dã kia cứ ngày một hiếm dần cho đến lúc báo động.
Bài thuốc có thật
Trước khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ về bài thuốc dân gian mang tên "huyết lình" bào chế từ "máu khỉ đến tháng". Như nghiên cứu từ cố GS Đỗ Tất Lợi, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cứu chế tạo dược phẩm, Cục Quân y, một nhà nghiên cứu dược phẩm nổi tiếng nước ta thì bài thuốc đó còn gọi là "lục linh".
Huyết lình hay lục linh là máu chảy ra của con khỉ sau khi đẻ hoặc đến tháng. Từ xa xưa, dân gian đã đến những tảng đá mà khỉ hay ngồi hoặc đi lại để cạo lấy những huyết khô dính trên đá. Những mảng huyết đọng lại dày tới 1cm được người ta cạo về phơi khô rồi cho vào những lọ kín.
Máu khỉ khô thường dưới dạng cục nhỏ màu đen nâu hoặc bã cà phê, có mùi rất tanh. Khi cần dùng thì nghiền nhỏ pha nước hoặc nấu với cháo để ăn. Theo nghiên cứu của GS Đỗ Tất Lợi thì loại huyết này được dùng làm bài thuốc bổ máu cho phụ nữ sau sinh. Đồng thời, với những người xanh xao, gầy yếu hoặc trẻ em còi cọc cũng có thể dùng được.
Ngoài ra, máu khỉ còn ngâm rượu làm thuốc giảm đau cho các vết thương hoặc những người bị thần kinh đau nhức xương khớp khi trái gió trở trời. Trong các nghiên cứu này, cố GS Đỗ Tất Lợi không hề đề cập bất cứ tác dụng nào của "máu khỉ đến tháng" đối với khả năng "cải lão hoàn đồng" hay tăng cường sinh lý nam giới.
|
Nhiều người cho rằng, ở các ngọn núi cao có tồn tại huyết khỉ khô. |
Tuy nhiên, ở các tỉnh miền núi phía Bắc thì quan niệm về máu khỉ lại hoàn toàn khác. Rất nhiều bà con dân tộc đã bỏ nương đồi chỉ để đi săn tìm những vết huyết khô hoặc thậm chí, săn tìm giết hại cả khỉ hoang dã với hy vọng có thể tìm được chút máu về chế thuốc bán cho những người có nhu cầu.
Lương y Hoàng Văn C. ở xã Việt Vinh (Quang Bình, Hà Giang) khẳng định chắc nịch rằng: "Chính bản thân tôi cũng đã từng có thời gian đi theo một nhóm người băng qua những cánh rừng rậm, những vách đá cao đi săn máu khỉ đem về làm thuốc".
Theo tiết lộ của ông C., loại thần dược từ "máu khỉ đến tháng" chỉ có ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Hà Giang. Người dân ở các khu vực này coi loại thần dược này là thứ tài sản có giá trị nhất, hơn cả việc đi tìm trầm gió mà nhiều bà con ở vùng Quảng Nam vẫn săn tìm.
"Giới lang y chúng tôi ở những vùng đất này, ai cũng coi "máu khỉ đến tháng" là thuốc quý số 1, hơn cả nhân sâm ngàn năm. Trước đây khi còn nhiều khỉ thì việc săn tìm huyết khô còn dễ, giá cả cũng hợp lý phải chăng. Bây giờ thì hiếm nên bài thuốc này gần như không tồn tại", ông C. cho biết.
Theo bà con dân tộc Mông ở Hà Giang, bài thuốc từ máu khỉ có tên gọi là "Xá lia - Hli sía”. Bài thuốc này có thể trị được nhiều chứng bệnh khác nhau, nhưng chủ yếu là dành cho phụ nữ nên hầu như nhà nào cũng cố dự trữ vài ba lạng huyết khô của khỉ phòng khi đau ốm.
|
Khu vực gần xã Tùng Bá, nơi có nhiều khỉ trú ngụ. |
Khả năng "cải lão hoàn đồng"?!
Từ những tác dụng thông thường của huyết khỉ khô, nhưng không biết từ bao giờ, bài thuốc lục linh này lại được thổi phồng với những công dụng đặc biệt với khả năng "cải lão hoàn đồng", kéo dài tuổi xuân và tăng cường khả năng giường chiếu của nam giới.
Sự thổi phồng vô căn cứ này đã dẫn tới thảm họa săn tìm huyết khỉ khô. Không những vậy, cuộc săn tìm còn kéo theo hệ quả là loài khỉ bị tàn sát một cách vô tội vạ ở khắp các cánh rừng phía Bắc có loài khỉ trú ngụ.
Ông Phạm Huy Trà, Chủ tịch UBND xã Tùng Bá (Vị Xuyên, Hà Giang) cho biết, 10 năm trở về trước có một cuộc săn lùng huyết khỉ rất rầm rộ. Mặc dù không biết bài thuốc có tác dụng hay không, nhưng nhiều người bỏ cả ruộng vườn đồi nương chỉ để tìm kiếm máu khỉ khô trên các tảng đá ở khu bảo tồn rằng Khau Ca.
Anh Đán Văn Khoan, thành viên đội kiểm lâm Khu bảo tồn Khau Ca từng là người gia nhập đội ngũ săn tìm huyết khỉ những năm 2000. "Khi không thể tìm ra huyết khỉ khô thì chúng tôi nghĩ ra cách khác tiêu cực hơn. Lúc ấy tôi chưa gia nhập đội bảo vệ rừng nên đã nổ súng hạ sát 62 con voọc mũi hếch ở khu rừng Khau Ca này. Nhưng số lượng mà người ta hạ sát khỉ để lấy máu đem bán còn lớn hơn rất nhiều lần", anh Khoan tiết lộ.
Theo anh Khoan, máu khỉ khô thường có trên những tảng đá trắng trên cao, nơi mà khỉ có thể phơi nắng. Một trong những địa điểm dân săn tìm chú ý đến là bản Lùng Trang của xã Linh Hồ hoặc các bản xa của xã Tùng Bá. Số nhiều họ đi tìm huyết khỉ khô theo đơn đặt hàng của những người dưới miền xuôi.
|
Anh Đán Văn Khoan, thành viên Đội Kiểm lâm Khu bảo tồn Khau Ca từng là người gia nhập đội ngũ săn tìm huyết khỉ. |
Nát rừng vì tin đồn
Một khảo sát sơ bộ của Trung tâm Con người và Thiên nhiên đối với các khu rừng ở Hà Giang nói riêng và Tây Bắc nói chung đã ở mức báo động. Tình trạng phá rừng ngày càng trầm trọng và tinh vi. Đặc biệt, các loài thú hoang dã như khỉ, voọc mũi hếch, voọc đen má trắng... bị tàn sát không thương tiếc.
"Chỉ vì những tin đồn vô căn cứ mà bài thuốc lục linh đem lại đã kéo theo hệ lụy khủng khiếp là người dân vào rừng tàn phá cả cây lẫn động vật. Chúng tôi ra sức bảo vệ rừng nhưng cũng chỉ hạn chế phần nào. Rất nhiều người đem súng vào rừng để giết hại thú hoang dã trong khi việc của họ chỉ là săn tìm huyết khô của khỉ", anh Đán Văn Khoan, Đội Kiểm lâm Khu bảo tồn Khau Ca cho biết.
Trước thực trạng người dân ồ ạt vào rừng săn bắt thú hoang dã, tỉnh Hà Giang đã tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại của việc săn bắn, xâm phạm đến rừng và các loài thú. Nhưng thực hiện mãi, UBND xã Tùng Bá mới chỉ tịch thu được 165 khẩu súng kíp và súng tự chế.
Và cho đến nay, các cánh rừng của Hà Giang và Tây Bắc vẫn còn lẩn khuất những nhóm đi săn tìm huyết khỉ khô. Điều đáng buồn là chỉ vì món lợi trước mắt mà họ đang tâm tận diệt thú quý, băm nát những cánh rừng vốn là "ngôi nhà chung" chỉ để phục vụ nhu cầu sai lầm của những kẻ lắm của nhiều tiền.
"Tác dụng thực sự của huyết khỉ khô như thế nào thì tôi không biết. Chỉ biết vì những tin đồn bài thuốc "lục linh" này mà người dân bỏ cửa bỏ nhà vào rừng săn tìm. Nếu đơn thuần chỉ săn tìm huyết khỉ khô thì không vấn đề gì, nhưng việc săn bắn thú quý là vi phạm pháp luật và phải bị xử lý".
Ông Phạm Huy Trà (Chủ tịch UBND xã Tùng Bá)