VietinBank cảnh báo những nguy cơ lừa đảo trong mùa dịch

Google News

 Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhắm đến các khách hàng (KH) sử dụng dịch vụ ngân hàng số với mục đích chiếm đoạt thông tin và tài sản. Để hạn chế rủi ro, VietinBank cảnh báo một số dấu hiệu lừa đảo và các biện pháp phòng ngừa cho KH.

“Điểm danh” các hình thức lừa đảo
Thực tế đã xuất hiện trường hợp đối tượng lừa đảo với chiêu thức mạo danh VietinBank và gửi tin nhắn đến KH. Các tin nhắn này có thể gửi từ đầu số lạ hoặc mạo danh VietinBank, được nhận và lưu trong cùng mục với các tin nhắn của ngân hàng trên điện thoại di động của KH để thông báo tài khoản (TK) của KH có dấu hiệu hoạt động bất thường (đang bị tạm khóa, trừ phí)... Sau đó, hướng dẫn KH nhấp vào đường link trong tin nhắn để được hỗ trợ xử lý. Nhưng thực chất đây là đường link giả mạo, lừa đảo KH tiết lộ thông tin bảo mật như tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực OTP… nhằm chiếm quyền kiểm soát và chiếm đoạt tiền trong TK của KH.
VietinBank canh bao nhung nguy co lua dao trong mua dich
Các đối tượng mạo danh VietinBank gửi tin nhắn lừa đảo KH. 
Ngoài ra, lợi dụng nhu cầu mua sắm online tăng cao trong giai đoạn giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, một số đối tượng đã tạo các trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, có liên kết thanh toán trực tuyến với các ngân hàng như ebanking-shopee.vn, lienketbankshopee.com, shopeemobilebanking.vn… Các đối tượng gửi đường link truy cập các trang web lừa đảo này qua tin nhắn SMS, email, zalo hoặc gọi điện thoại để hướng dẫn KH giao dịch trên trang giả mạo. Mục đích của các đối tượng này là lấy cắp thông tin để thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền trong TK của KH.
Bên cạnh đó, các đối tượng có thể giả mạo người thân để vay tiền, nhờ chuyển tiền trên mạng xã hội. Tinh vi hơn khi đối tượng sử dụng các ứng dụng giả mạo giọng nói của chủ TK, người thân (deepface, fake voice…) khiến nhiều người tin tưởng và chuyển tiền đến TK theo yêu cầu. Ngoài ra, đối tượng cũng có thể mạo danh nhân viên ngân hàng hay nhà mạng hoặc các cơ quan chức năng như công an, tòa án, viện kiểm sát…gọi điện thoại cho KH với lý do kiểm tra thông tin, yêu cầu, đe dọa KH cung cấp thông tin tên truy cập, mật khẩu, OTP của dịch vụ ngân hàng số và chiếm đoạt TK, tài sản của KH. Nếu KH thực hiện theo yêu cầu của đối tượng sẽ bị mất tiền trong TK. VietinBank khuyến cáo KH khi gặp trường hợp như vậy cần bình tĩnh, không thực hiện theo yêu cầu của đối tượng và trình báo ngay cơ quan công an gần nhất.
Đáng chú ý, đối tượng có thể liên hệ và gửi thông tin tới KH về việc nhận tiền từ nước ngoài qua kênh Western Union. Sau đó hướng dẫn KH truy cập vào một đường link, đăng nhập các thông tin TK trên website lạ để nhận tiền. Với thông tin mật khẩu, mã OTP lấy cắp được, các đối tượng sẽ rút tiền trong TK của KH.
Một thủ đoạn rất phổ biến đó là các đối tượng có thể lập trang web hoặc các ứng dụng giả mạo nhằm lừa đảo KH truy cập, cài đặt; từ đó thu thập thông tin, lịch sử giao dịch và TK của KH, phục vụ cho việc lừa đảo, gian lận (điển hình là các website vay vốn online). Đặc biệt là sau khi các ngân hàng triển khai eKYC, các đối tượng đã có các thủ đoạn lừa gạt KH cung cấp gửi thông tin ảnh chứng minh thư, ảnh chân dung… và sử dụng thông tin của KH để mở TK, đăng ký dịch vụ để chiếm đoạt tài sản của KH.
Hiện nay có rất nhiều hình thức lừa đảo phải kể đến như gửi tin nhắn, quảng cáo qua Zalo, Viber…giới thiệu các gói vay nhanh hay tiền gửi hấp dẫn. Sau đó, đối tượng yêu cầu KH cần nộp một khoản phí để được hưởng ưu đãi và giải ngân sớm. Khi KH chuyển tiền thì không nhận được ưu đãi, giải ngân nào hết.
Để không “mất tiền oan”
VietinBank khẳng định luôn đảm bảo an toàn và bảo mật tối đa cho KH. Ngân hàng cũng không bao giờ yêu cầu KH click vào đường link, cung cấp user, mật khẩu trong bất kì tình huống nào dưới bất kì hình thức nào (gọi điện, nhắn tin, email…).
Nhằm hạn chế rủi ro, KH cần lưu ý: Không cung cấp thông tin gồm TK đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực (OTP) hoặc số thẻ tín dụng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà chưa xác định được rõ mối quan hệ; không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn, email lạ hoặc không rõ nguồn gốc; không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch NH (truy cập vào link lạ, chuyển tiền qua ngân hàng, nạp thẻ, rút tiền…).
Đặc biệt, KH không truy cập hoặc nhập thông tin tên, mật khẩu đăng nhập Internet Banking, Mobile Banking, mã xác thực OTP, số TK… của KH vào website, liên kết khác với website hay đường dẫn Internet Banking mạo danh VietinBank; không cài đặt các ứng dụng chưa được xác thực trên kho ứng dụng, nhất là theo yêu cầu của đối tượng lạ; không cho mượn hoặc cho thuê thông tin cá nhân để mở thẻ, tài khoản NH.
VietinBank cũng khuyến cáo, KH chỉ truy cập Internet Banking của VietinBank tại địa chỉ duy nhất: ipay.vietinbank.vn hoặc sử dụng ứng dụng App VietinBank iPay để thực hiện các giao dịch qua TK; đồng thời thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập Internet Banking, Mobile Banking để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, KH cần xác thực thông tin (qua điện thoại di động hoặc trực tiếp) trước khi thực hiện thanh toán, chuyển tiền khi nhận được yêu cầu từ Facebook, Zalo, Messenger từ người thân, bạn bè. Nếu đã xảy ra rủi ro mất tiền hoặc nghi ngờ bị lừa đảo, KH nên chủ động khóa TK, thay đổi mật khẩu đăng nhập Internet Banking, Mobile Banking; hoặc liên hệ ngay với VietinBank theo số đường dây nóng.
VietinBank canh bao nhung nguy co lua dao trong mua dich-Hinh-2
Khách hàng cần cảnh giác trước những đường link website và email lừa đảo. 
Trường hợp nhận được các thông tin giả mạo liên quan đến VietinBank hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, Quý khách vui lòng liên hệ ngay tới Tổng đài CSKH 24/7: 1900 558868/ (84) 24 3941 8868 hoặc các chi nhánh/phòng giao dịch VietinBank để được trợ giúp; đồng thời liên hệ ngay cơ quan có thẩm quyền (cơ quan tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, công an địa phương…) để được hỗ trợ.
PV

>> xem thêm

Bình luận(0)