Yến sào Việt Nam được xem là chất lượng cao, uy tín trên thế giới nhưng đến nay vẫn không xuất khẩu được chính ngạch. Nguyên nhân chủ yếu là do yến sào Việt Nam chưa đạt các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, quản lý nuôi và quan trọng hơn là Việt Nam chưa ký kết nghị định thư về xuất nhập khẩu yến sào với các nước.
Giá hơn 100 triệu/kg nhưng phải bán “xách tay”
Nhiều khách hàng đến từ Trung Quốc (TQ), Hong Kong, Ma Cao… đặt mua yến sào Việt Nam với số lượng lớn, giá hấp dẫn. Đáng tiếc là các công ty yến sào Việt Nam đành phải từ chối vì hiện nay không thể xuất khẩu chính ngạch và không có đủ hàng để ký các hợp đồng lớn.
Bà Đỗ Tú Quân, Giám đốc Công ty Yến Quân (huyện Cần Giờ, TP.HCM), cho biết hiện công ty vừa nuôi chim yến để khai thác lấy tổ bán trong nước lẫn xuất khẩu, vừa tổ chức các tour du lịch tìm hiểu về nghề nuôi chim yến. Nói xuất khẩu nhưng thực chất chủ yếu vẫn là bán dạng tiểu ngạch qua biên giới và bán cho khách du lịch rồi họ xách tay về nước.
Theo bà Quân, sau khi truyền thông TQ quảng bá nhiều về lợi ích của yến sào đối với sức khỏe, đặc biệt yến sào Việt Nam được nhắc đến nhiều trên truyền hình Đài Loan khiến giá yến sào nước ta tăng mạnh. Ví dụ, năm ngoái giá tổ yến thô 15-16 triệu đồng/kg thì nay giá đã lên tới 23-24 triệu đồng/kg, có nơi giá lên tới 30 triệu đồng/kg.
|
Nghề nuôi yến đang mang về ngoại tệ nhưng lại thiếu quy hoạch, phát triển tự phát. Trong ảnh: Khách nước ngoài tìm mua sản phẩm yến sào Việt Nam. Ảnh: QUANG HUY |
“Riêng giá yến tinh (làm sạch) loại chất lượng tốt nhất đã lên khoảng 100 triệu đồng/kg. Tuy giá bán yến sào tinh tại thị trường TQ có giá cao ngất ngưởng 200-300 triệu đồng/kg nhưng chúng ta lại không có đủ hàng để bán” - bà Quân nêu thực tế.
Đại diện một công ty yến tại Nha Trang, Khánh Hòa cũng cho biết hiện nhiều khách hàng từ TQ, Đài Loan, Hong Kong muốn đặt hàng mua yến sào số lượng “khủng”. Bên cạnh đó, họ còn thắc mắc tại sao các cơ quan quản lý Việt Nam không có chính sách quản lý, phát triển ngành nuôi chim yến để khai thác xuất khẩu mang về ngoại tệ cho đất nước.
“Thắc mắc trên là điều rất đáng suy nghĩ bởi Indonesia, Malaysia… đã đi trước Việt Nam nhiều năm, họ xuất khẩu yến sào thu về hàng tỉ USD mỗi năm. Tiếc là Việt Nam lại chưa làm được như họ, vì từ việc quản lý đến đầu tư phát triển đều bỏ ngỏ” - vị đại diện công ty trên nói.
Chim yến là vật nuôi hay thú hoang?
Thừa nhận thực tế trên Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT cho hay nghề nuôi chim yến phát triển khá mạnh ở khắp nơi với nhiều loại hình và quy mô khác nhau nhưng đang bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong công tác quy hoạch. Đơn cử đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến. Phương thức nuôi chủ yếu là dẫn dụ thông qua việc sử dụng thiết bị âm thanh để hấp dẫn chim yến đến trú ngụ và làm tổ.
Ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, thừa nhận nghịch lý nhà nuôi trong vùng quy hoạch lại không có yến nhưng nhà nuôi ngoài vùng quy hoạch lại có yến. Đó là chưa kể liệu việc quy hoạch vùng nuôi yến có đúng luật hay không, bởi luật về quy hoạch hiện nay không quy định phải quy hoạch ngành nghề này.
“Nghề nuôi chim yến hầu hết đều nuôi tự phát theo kiểu “yến ở tầng trên, nhà ở tầng dưới”, không có quy hoạch. Chẳng hạn ai quản lý về tiếng ồn? Chim yến là vật nuôi hay thú hoang dã? Giao cho ai quản lý, thú y, kiểm lâm hay bên môi trường? Do không quản lý nên các nhà yến xây dựng tự phát có nhiều bất cập, ở một số tỉnh, thành nhiều nhà yến chen nhau trong các khu dân cư nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh” - ông Khánh phát biểu.
Hoàn thiện khung pháp lý
Bộ NN&PTNT, các đơn vị liên quan sẽ tập trung rà soát, xây dựng và hoàn thiện các thủ tục pháp lý về ngành hàng chim yến. Qua đó để vừa quản lý tốt về môi trường, dịch bệnh vừa phát triển ngành nuôi chim yến một cách bền vững.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT VŨ VĂN TÁM
Sang các nước học hỏi
Để không buông lỏng quản lý ngành này như thời gian qua, đại diện Sở NN&PTNT TP.HCM kiến nghị Bộ NN&PTNT ban hành các quy định về kiểm dịch động vật đối với tổ yến và các sản phẩm từ yến; các tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi chim yến; khoảng cách tối thiểu từ nhà nuôi chim yến đến các công trình công cộng, khu dân cư…
“Các cơ sở nuôi và chế biến yến cũng cần chủ động thực thi các thủ tục truy xuất nguồn gốc sản phẩm để giảm rủi ro về pháp lý cũng như minh bạch hóa thông tin về sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh với các nước, hướng đến xuất khẩu tổ yến” - đại diện Sở NN&PTNT TP.HCM góp ý.
Đại diện các doanh nghiệp, bà Đỗ Tú Quân, Chi hội trưởng Chi hội Yến sào Việt Nam, đề xuất các bộ, ngành cần làm việc với cơ quan chức năng TQ để đàm phán xuất khẩu sản phẩm tiềm năng yến sào. Bà Quân cũng cho rằng bên cạnh việc quản lý, quy hoạch nghề nuôi chim yến thì Việt Nam cần xây dựng thương hiệu quốc gia yến sào, từng bước tạo được thị phần tại nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám thừa nhận cơ quan quản lý nhà nước chưa theo kịp sự phát triển của ngành nuôi chim yến, chưa hỗ trợ đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp. Bằng chứng Việt Nam chưa xuất khẩu được chính ngạch yến sào dù Việt Nam đủ tiềm năng, lợi thế phát triển các sản phẩm yến sào.
“Sắp tới, Cục Chăn nuôi sẽ phối hợp với các doanh nghiệp yến sào tổ chức chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài như Malaysia, Indonesia, TQ... Trước mắt sẽ sang Malaysia khảo sát vì nước này hiện đã làm tốt các tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch sang TQ và nhiều nước khác. Từ đó đoàn sẽ đề xuất các tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện nuôi… hướng tới xuất khẩu chính ngạch yến sào Việt Nam” - Thứ trưởng Tám nhấn mạnh.
Hơn 7.500 tỉ đồng đầu tư nuôi chim yến
Ông Phạm Thế Ruân, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, cho hay hiện Việt Nam có hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước từ Ninh Bình, Nam Định cho đến Năm Căn Mũi Cà Mau nuôi yến với khoảng 5.800 nhà yến. Diện tích sàn nuôi chim yến đạt hơn 1 triệu m² với tổng đàn yến hơn 6,2 triệu con và sản lượng tổ yến thu hoạch mỗi năm khoảng 40-50 tấn. Vốn đầu tư của xã hội vào ngành này hơn 7.500 tỉ đồng, tạo ra sản phẩm hàng hóa hơn 800 tỉ đồng mỗi năm.
|
Công nhân đang kiểm tra, sơ chế tổ yến thô tại TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY |
“Đây là ngành công nghiệp mới nên cơ quan quản lý nhà nước cần phải tập trung hoạch định chính sách phù hợp” - chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam kiến nghị.