Chiêu trò của các cây xăng
Chia sẻ tại đối thoại chuyên đề “Vòng xoáy lạm phát: Kiểm soát chi phí đẩy” sáng 4/4, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, ngay từ đầu năm 2022, Bộ Công Thương đã giao cho lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra giám sát thị trường, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh, bất ổn chính trị trên thế giới để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý, thu lời bất chính.
Theo kết quả báo cáo sơ bộ của các Cục Quản lý thị trường địa phương, đến cuối tháng 3/2022, tình hình kinh doanh xăng dầu cơ bản ổn định trở lại, các hiện tượng thiếu xăng dầu, đóng cửa không bán hàng trong giờ quy định giảm và dần đi vào ổn định.
Tuy nhiên, trong công tác điều hành, quản lý giá cả từ nay đến cuối năm vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rất khó lường. Cũng theo ông Lê, thời gian qua 16.800 cây xăng đã được Cục tiến hành giám sát - một con số rất lớn.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã xử lý khoảng 50 vụ vi phạm kinh doanh tại các cửa hàng xăng dầu với số tiền trên 2,5 tỷ đồng (Ảnh: Hữu Thắng).
Tiết lộ thêm về những "chiêu trò" trong kinh doanh xăng dầu của các cây xăng trong thời gian vừa qua, vị đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, ngoài các vi phạm về điều kiện kinh doanh, chẳng hạn như phòng chống cháy nổ, kiểm định cây xăng thì các hành vi vi phạm trong thời gian qua chủ yếu đó là các cửa hàng lợi dụng giờ cao điểm, quản lý lỏng lẻo để bơm chồng số.
"Các cây xăng không niêm yết giá, tự ý điều chỉnh giá, treo biển không bán hàng mặc dù vẫn có hàng để bán nhưng cố tình găm lại đợi giá lên mới bán ra. Hay một số trường hợp treo bảng thông báo cột bơm hỏng, tức là tìm mọi cách để không phải bán hàng trong những thời điểm Chính phủ có điều chỉnh về giá. Bên cạnh đó, một số đối tượng tìm cách sử dụng các sản phẩm xăng dầu kém chất lượng bán ra trong giai đoạn hiện nay để thu lời bất chính", ông Lê cho hay.
Cũng theo chia sẻ của ông Lê, từ đầu năm đến nay, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra phát hiện trên 150 vụ vi phạm, xử lý khoảng 50 vụ với số tiền trên 2,5 tỷ đồng.
Khi được hỏi về mức xử phạt 2,5 tỷ đồng từ đầu năm đến nay có phải là con số còn quá "khiêm tốn" hay không? Ông Lê nói rằng, việc xử phạt hành chính còn phụ thuộc vào quy định xử phạt của Chính phủ.
"Chính phủ quy định chúng tôi là lực lượng thực thi căn cứ vào quy định của pháp luật để xử phạt, việc xử phạt nhiều hay ít đã có quy định", ông nói.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Ảnh: Xuân Khoa).
Nêu kiến nghị của mình, ông Lê cho rằng, một trong những vấn đề cần được ưu tiên để kiểm soát giá xăng dầu nói riêng và lạm phát nói chung, đó là phải tăng cường công tác kiểm tra thanh tra, nhất là trong lĩnh vực giá.
Quan trọng nhất là phải làm sao tất cả nơi sản xuất kinh doanh đều niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Cũng như là loại trừ được tổ chức cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh hay tình hình đứt gãy của các chuỗi cung ứng để đầu cơ, găm hàng, tích trữ và định giá bán bất hợp lý. Từ đó dẫn tới việc khủng hoảng tiêu dùng cho người dân.
"Trong dịch bệnh vừa qua, trang thiết bị y tế bị đẩy giá lên một cách quá mức phi lý do tâm lý của người dân là một ví dụ điển hình", ông Lê nhấn mạnh.
Áp lực điều hành giá
Có thể thấy rõ, xăng dầu là một mặt hàng chiến lược quan trọng, có tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế, cũng có tốc độ tăng chóng mặt trong thời gian qua, kéo theo giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu khác dồn dập tăng giá.
Theo Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế. Vì vậy, hệ quả của việc xăng dầu tăng giá sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Dù giá xăng dầu thế giới vẫn biến động bất thường, việc điều hành giá xăng dầu thông qua việc sử dụng linh hoạt các công cụ thuế từ ngày 1/4 và Quỹ Bình ổn giá được người dân và giới chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng trong việc bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đánh giá về việc điều chỉnh giá cả trong thời gian qua, ông Đặng Công Khôi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thừa nhận, quản lý giá còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Khôi, điều hành giá ngay từ những tháng đầu năm đòi hỏi Cục Quản lý giá với vai trò giúp việc của Ban Chỉ đạo điều hành giá phải theo sát tình hình diễn biến của giá cả trong từng tháng và từng quý, dự tính các kịch bản để báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban chỉ đạo để đưa ra những giải pháp kịp thời.
Ông Khôi cho hay, trong các kịch bản điều hành bao giờ cũng có 3 loại, kịch bản tốt nhất, kịch bản vừa và kịch bản xấu nhất.
Trong kịch bản xấu nhất, Cục Quản lý giá dự tính mức giá xăng dầu bình quân sẽ tăng rất cao, khoảng 40%, lúc đó, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dù chịu những biến động bất thường của chi phí sản xuất nhưng CPI quý I/2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước cho thấy vấn đề kiểm soát mặt bằng giá khá thành công.
Lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định, với diễn biến CPI của quý I vừa qua, các Bộ, cơ quan đều thống nhất nhận định việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% hiện vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tuy nhiên, công tác điều hành giá linh hoạt nhưng phải rất thận trọng và tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.
Ông Đặng Công Khôi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính (Ảnh: Xuân Khoa).
Cũng theo ông khôi, một yếu tố khác cần lưu ý kiểm soát thời gian tới là “lạm phát kỳ vọng” bởi tác động ghê gớm đến tâm lý chung khi hàng loạt quốc gia trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao kỷ lục và các chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh cũng chịu nhiều áp lực. Việc kiểm soát lạm phát kỳ vọng cũng sẽ là một thành công rất lớn.
"Chúng tôi cũng sẽ tính toán đến kịch bản lạm phát do cầu kéo. Tổng cầu đang dần phục hồi, đây là một điều đáng mừng vì sức khỏe của nền kinh tế đang bắt đầu hồi phục và các chính sách vĩ mô bắt đầu phát huy tác động tích cực đến nền kinh tế", ông Khôi nêu ý kiến.
Ông đánh giá rằng, chi phí đẩy hiện là thách thức lớn nhất và phải kiểm soát được vấn đề này, lạm phát cơ bản sẽ đạt được mục tiêu.