Ngày 17/1, cổ phiếu Thaco trên thị trường tự do (OTC) tiếp tục đứng ở mức cao, thậm chí còn tăng thêm 2.000 đồng sau khi đã lập kỷ lục tăng gần gấp đôi lên 150.000 đồng/cp trong vài tháng gần đây.
Hiện tại, Thaco có gần 415 triệu cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lên gần 4.150 tỷ đồng. Với mức giá hiện tại, vốn hóa thị trường của Thaco đạt gần 2,8 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương, chủ tịch HĐQT Thaco cùng với vợ trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hơn 65% doanh nghiệp này.
Điều đó có nghĩa, vợ chồng ông Trần Bá Dương hiện đang nắm giữ số cổ phiếu Thaco trị giá khoảng 1,8 tỷ USD. Con số này có thể còn tăng lên thêm nhiều nếu cổ phiếu Thaco lên sàn và tăng vọt giống như hàng loạt các cổ phiếu lớn gần đây như: Sabeco, Habeco, ACV, Vietnam Airlines, Faros...
Hiện tại, trên TTCK Việt Nam có 2 tỷ phú USD. Ông Phạm Nhật Vượng sở hữu 720 triệu cổ phần VIC của Vingroup, trị giá hơn 30 ngàn tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD) và ông Trịnh Văn Quyết sở hữu gần 290 triệu cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros và hơn 114 triệu cổ phiếu FLC, trị giá hơn 36 ngàn tỷ đồng (1,6 tỷ USD).
Ông Bùi Thành Nhơn cùng vợ con trực tiếp và gián tiếp giữ hơn 65% cổ phần Novaland, trị giá khoảng 23,4 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD.
|
Ông Trần Bá Dương |
Như vậy, nếu ông Trần Bá Dương đưa cổ phiếu Thaco lên sàn, ông có thể sánh cùng tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Trịnh Văn Quyết để trở thành người giàu nhất trên TTCK Việt Nam.
Trước đó, hồi 2010, Thaco đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE). Tuy nhiên, những khó khăn trong giai đoạn 2010-2012 đã khiến DN này với lợi nhuận tụt giảm… đã không thể đưa cổ phiếu lên sàn.
Cũng giống như nhiều tỷ phú khác, ông Trần Bá Dương cũng đã phát triển sang lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam: nông nghiệp. Nhưng khác với các đại gia khác, ông Trần Bá Dương sẽ tập trung vào mảng máy nông nghiệp.
Trước đó, rất nhiều đại Việt đã đổ hàng ngàn tỷ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup, Pan Group, Hòa Phát, TH,... Hoạt động của của các DN lớn này được đánh giá sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mới và sẽ vực dậy ngành thế mạnh này của Việt Nam.
Ngay từ đầu 2016, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long đã quyết định chi 2,5 ngàn tỷ đồng để thành lập công ty nông nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và phụ trợ liên quan.
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đầu tư hàng ngàn tỷ vào VinEco để sản xuất nông sản sạch theo công nghệ Nhật Bản, Israel.
Còn với Thaco lại lấy cơ khí và ô tô làm chủ đạo, trong bối cảnh nông nghiệp đất nước đang ở thời điểm phải thay đổi tất yếu theo hướng công nghiệp hoá, ứng dụng công nghệ cao để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.