Bắt cả "quái vật" sông Amazon về chơi
Cá hải tượng là một trong những loài cá nước ngọt có trọng lượng lớn nhất hành tinh. Chúng có nguồn gốc tại lưu vực sông Amazon, Nam Mỹ. Loài cá này còn mang tên Arapaima - “quái vật” nước ngọt. Khi trưởng thành, trọng lượng trung bình của chúng vào khoảng 100-200kg, dài tầm 2m. Thế giới từng ghi nhận một chú cá hải tượng long dài tới 4m, nặng 300kg. Đây là loài cá quý hiếm đưa vào Sách đỏ thế giới.
Ở Việt Nam, khoảng 15 năm trở lại đây, loài cá này được nhập về nuôi, chưa có cơ sở nhân giống. Nhưng đầu năm 2015, một cặp cá hải tượng của gia đình ông Ngô Văn Phước (ở xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) đã sinh sản được cả ngàn con. Hay đàn cá hải tượng 12 con, mỗi con nặng hơn 100kg được ông Đặng Văn Ninh (ngụ thị trấn Tân Châu, Tây Ninh) xây riêng bể lớn để chăm sóc.
Tuy có nhiều e ngại về việc nuôi cá hải tượng, song nó vẫn được nhiều dân chơi cá cảnh săn lùng.
Để thỏa mãn thú vui nuôi cá cảnh và thể hiện đẳng cấp của mình, nhiều đại gia đã mạnh tay bỏ ra cả trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để chơi loài cá khổng lồ này. Họ cho rằng khi nuôi cá đúng cách, cá sẽ tạo màu đẹp, mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ.
Thú chơi rùa khủng long cổ đại tiền triệu mỗi con
Loài rùa đặc biệt này có thân hình giống như khủng long thời cổ đại đang gây sốt trong giới đại gia chơi thú cưng ở Việt Nam. Hiện, loài này đang được một số người ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM rao bán với giá từ vài trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng/con.
Là một người có kinh nghiệm khá lâu trong nghề kinh doanh rùa cảnh, anh Tuấn - một chủ cửa hàng bán rùa cảnh ở quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết, anh bắt đầu nhập loài rùa này về nuôi được 3 năm nay. Nhìn chung loài rùa này khá dễ nuôi, thức ăn của chúng là các loài cá nhỏ, dế…
Theo anh Tuấn, loài rùa này nằm trong nhóm 2 loài rùa cá sấu được du nhập về Việt Nam gần 2 năm nay. “Đây là loài rùa khá kén người chơi, phải là người có đam mê rùa mới chịu chơi, bởi rùa có hình thù khá kỳ quái” – anh Tuấn chia sẻ.
Cũng theo anh Tuấn, trên thế giới loài rùa này sống ở nước ngọt được mệnh danh là loài rùa lớn nhất thế giới nhưng khi được nhân giống đưa vào Việt Nam rùa chỉ có size nhỏ đến rất nhỏ, khoảng trên dưới 20cm/con với giá bán khoảng trên dưới 1 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng/con, tùy loại và kích cỡ.
Qua quan sát bề ngoài loài rùa này thì thấy rõ các tấm vảy sừng trên mai nhô cao như vảy cá sấu, mõm như hình mỏ chim, thân có nhiều gai nhọn. Chính vì có hình thù kỳ dị nên được ưa chuộng nuôi làm cảnh. Nhìn chung, loài rùa này không độc, hiền lành.
Tuy nhiên, đây là loài ngoại lai, cần được nuôi trong môi trường kiểm soát tốt, không được làm ảnh hưởng đến các loài bản địa của Việt Nam, tránh lây lan bệnh dịch, lai tạp nguồn gen, phát tán ra ngoài môi trường tự nhiên.
Chim vành khuyên đột biến gen: Tỷ phú Singapore mua không nổi
Dù mới chơi chim trong vòng 5 năm lại đây nhưng số tiền anh Lý Hùng Tú bỏ ra đã lên đến tiền tỷ, với bộ sưu tập 13 con chim, trong đó có 6 con chim khuyên, 7 con chào mào. “Tôi toàn mua chim đẳng cấp, tinh túy. Chim trong bộ sưu tập của tôi đi thi toàn được giải nhất, giải nhì. Hôm qua, một con đi thi đấu cũng được giải nhất”, anh Tú khoe.
Theo anh Tú, giá trị nhất trong bộ sưu tập chim của anh chính là con hoàng khuyên. “Đây là loại chim đột biến gen rất hiếm, tôi mua cách đây hai năm với giá hơn 9.000 đô. Bây giờ có người trả tới 15.000 đô tôi nhất quyết không bán, có trả nửa tỷ cũng không. Thậm chí, mấy hôm trước có 4 người bay từ Singapore sang để hỏi mua tôi cũng từ chối”, anh Tú chia sẻ.
Theo lời anh, ở Việt Nam chỉ có vài ba con hoàng khuyên đột biến gen, nhưng đều không đạt được “đẳng cấp” như con chim anh đang sở hữu. Anh Tú khẳng định: “Cả tỷ con mới có một chú hoàng khuyên đột biến hoàn hảo đến thế”. Con hoàng khuyên này có bộ đẹp (bao gồm: màu lông, chân, mỏ, mắt), tất cả đều chuẩn, không chê vào đâu được. Đặc biệt, nó còn đấu (hót) rất giỏi, không cần phải dạy, đi thi toàn thắng. Đây chính là điều khác biệt lớn nhất so với những con chim hoàng quyên đột biến gen khác.
Bộ sưu tập chim của anh, ngoài hoàng khuyên còn có rất nhiều chim quý hiếm khác, như chào mào đầu trắng, chào mào bạch tạng,... Giá của chúng đều chục triệu, có con lên đến hàng trăm triệu.
Cá rồng giá trăm triệu đồng "hút" dân chơi
Không chỉ được ví như “đế vương” trong các loài cá, mà cá rồng còn được xem như một bảo bối, vật tượng trưng mang đến may mắn, tài lộc trong gia đình. Chính vì ý nghĩa này mà không ít đại gia Việt sẵn sàng chi hàng chục triệu thậm chí vài trăm triệu để sở hữu một chú cá rồng độc và lạ.
Anh Vũ Kiều Ly (Trần Duy Hưng - Hà Nội) khá nổi tiếng trong giới chơi sinh vật cảnh ở Hà Nội. Không chỉ sở hữu một cửa hàng chuyên cung cấp cá rồng cao cấp, bộ sưu tập cá rồng của anh Ly cũng lên tới vài chục con trong đó có nhiều con thuộc hàng hiếm, có một không hai.
Bắt đầu chơi cá rồng từ năm 1997, con cá rồng đầu tiên anh Ly sở hữu thuộc dòng Ngân Long với giá hơn 11 triệu. Số tiền khi ấy, đủ sức mua một miếng đất ở ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay đây cũng chỉ là dòng cá bình dân và rẻ tiền nhất.
Một số loại cá rồng thuộc dòng Huyết Long, kim long như cá rồng Fafu, platium đặc biệt là cá rồng Bạch Long quý hiếm "vạn con có một" có thể được định giá lên tới cả tỷ bạc. Đây được xem là dòng cá rồng cao cấp, dân chơi cá thế giới cũng chỉ có vài người may mắn được sở hữu.
Sở hữu một con cá rồng đẹp đã khó nhưng để chăm sóc và nuôi dưỡng loại cá đế vương này cũng kỳ công không kém. Nuôi cá rồng phải nuôi kèm cá phụ kiện trong đó không thể thiếu bộ ba tam tài, gồm: cá rồng, cá hổ và cá sam. Cá rồng ở tầng nước cao và luôn giành vị trí độc tôn, cá Sam ở tầng nước đáy còn cá Hổ ở tầng giữa. Dân chơi cá gọi bộ ba này là Long Hổ Sam và chi phí để sở hữu bộ ba này cũng ngót nghét tiền trăm triệu.
Những con tép có giá cả chục triệu
Những con tép cảnh bé xíu, chiều dài chỉ chừng 1,5 cm. Nhưng có giá cả chục triệu đồng. Theo một số dân chơi tép cảnh cho biết “Tép đẹp, độc, thuần chủng, mỗi con có giá khoảng 70 triệu đồng”.
Những con tép bé xíu nhưng có giá lên tới vài chục đến vài trăm triệu là sở thích của không ít đại gia Việt chơi ngông. Ảnh minh họa
Thậm chí giống tép ong đỏ, còn được nhiều đại gia nhập về Việt Nam với mức giá 9.000 euro/con. Những con tép có giá cả chục triệu đồng.Việc nuôi tép cũng không đơn giản, thức ăn của tép được sản xuất riêng, ít đạm hơn thức ăn cho cá. Bể tép buộc phải có máy điều hòa làm lạnh giữ cho nước không quá 23 độ C.