Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa công bố quyết định chuyển cổ phiếu tại CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG) của ông trùm truyền thông và truyền hình Nguyễn Ảnh Nhượng Tống từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ 12/4 và chỉ được giao dịch trong phiên chiều.
Đây là bước lùi tiếp theo Tập đoàn Yeah1 sau khi ghi nhận 2 năm lỗ liên tiếp.
Giá cổ phiếu YEG tiếp tục tụt giảm không phanh xuống còn khoảng 36.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với mức 300.000 đồng/cp trong phiên giao dịch đầu tiên hồi giữa năm 2018. Khối tài sản của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cũng bốc hơi hơn 8 lần xuống còn dưới 300 tỷ đồng, không còn nằm trong danh sách 200 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
Sở dĩ Yeah1 bị chuyển sang diện kiểm soát là do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hai năm liên tiếp: năm 2019 âm hơn 385 tỷ đồng và 2020 âm gần 182 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 âm 219 tỷ đồng.
Sau khi bắt buộc phải bỏ cuộc chơi tại Hollywood và tạm thời gác lại tham vọng tỷ USD, doanh nghiệp của ông trùm truyền thông và truyền hình Nguyễn Ảnh Nhượng Tống liên tục thua lỗ khi mảng thương mại truyền thông kinh doanh dưới giá vốn và chi phí bán hàng tăng đột biến.
|
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống. |
Hoạt động kinh doanh thua lỗ của Yeah1 liên quan đến cuộc khủng hoảng mạng đa kênh với Youtube.
Hồi tháng 3/2019, CTCP Tập đoàn Yeah1 đã phải bán lại toàn bộ 100% cổ phần tại ScaleLab (trụ sở ở Hollywood) cho các chủ sở hữu cũ là Brenner Pass Investment Corp. với giá không đổi là 12 triệu USD sau khi mua 100% cổ phần của ScaleLab hồi tháng 1/2019.
Cụ thể, YouTube đã chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (Content Hosting Agreement - CHSA) sau ngày 31/3/2019 đối với các công ty đầu tư tài chính/công ty con có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của Yeah1, bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC. Đây đều là những công ty nước ngoài mà Yeah1 của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống thâu tóm trước đó.
Trong năm 2020 YEG lỗ ròng gần 180 tỷ đồng do hoạt động đã mở rộng hệ sinh thái truyền thông đang có sang hệ sinh thái tiêu dùng. Yeah1 cần nguồn lực để đầu tư ban đầu vào hàng hóa, nhân sự và các chiến lược kinh doanh dẫn đến gia tăng chi phí. Mảng kinh doanh mới vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm thị trường, đối tác, dù đã có doanh thu nhưng vẫn chưa thể bù đắp chi phí trong thời gian ngắn.
Nguyên nhân trọng yếu là do sự khủng hoảng chung của nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các biện pháp giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch phần nào làm các hoạt động kinh doanh của Yeah1 bị ngưng trệ, trên cả mảng kinh doanh truyền thống (nội dung số, truyền thông media) và mảng kinh doanh tiêu dùng.
Yeah1 gần đây mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực cung cấp thực phẩm đồ uống và kim khí điện máy trong bối cảnh thua lỗ trong năm 2020. Ban lãnh đạo công ty đã thông qua phương án để công ty con là CTCP Công nghệ thương mại Giga1 (Giga1) góp vốn với các đối tác thành lập hai công ty con khác là CTCP Gigagoods và CTGCP phân phối Gigawin. Gigagoods có vốn điều lệ ban đầu dự kiến 1,8 nghìn tỷ đồng; ngành nghề kinh doanh chính là phân phối các sản phẩm thực phẩm, đồ uống, chăm sóc cá nhân. Gigawin có ngành nghề kinh doanh chính là phân phối các sản phẩm điện tử, điện lạnh.
Trên thị trường, giới đầu tư cũng chứng kiến nhiều cổ phiếu bị kiểm soát do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc vi phạm về công bố thông tin như HVG của CTCP Hùng Vương, Gỗ Trường Thành (TTF), CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH); Vosco (VOS)…
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index giảm nhẹ xuống ngưỡng 1.235 điểm.
Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục kiểm định vùng hỗ trợ 1.225-1.230 điểm trước khi hướng đến thử thách vùng kháng cự 1.250-1.265 điểm trong ngắn hạn. Diễn biến thị trường vẫn sẽ theo hướng giằng co với sự phân hóa mạnh theo thông tin kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp cụ thể. Dòng tiền nội tiếp tục là động lực chính hỗ trợ cho diễn biến thị trường trong giai đoạn này. Dòng cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu dẫn dắt sẽ tiếp tục có diễn biến tăng điểm để hỗ trợ cho diễn biến thị trường trong giai đoạn này.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/4, chỉ số VN-Index tăng 3,91 điểm lên 1.239,96 điểm; HNX-Index tăng 0,44 điểm lên 291,68 điểm. Upcom-Index giảm 0,25 điểm xuống 82,6 điểm. Thanh khoản đạt 21,5 nghìn tỷ đồng.