Chơi gameshow để giảm tiền điện
Vào mùa cao điểm nắng nóng, cộng thêm giá điện tăng, nhiều người tiêu dùng đang tìm mua loại thiết bị tiết kiệm điện. Đáp ứng nhu cầu, nhiều thiết bị đang được bày bán rộng rãi với cam kết sẽ giảm số điện năng tiêu thụ.
Tìm hiểu thực tế, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã tiếp cận với vài người bán thiết bị tiết kiệm điện để hỏi rõ thêm. Qua mạng xã hội, một thanh niên tên Giang sống tại quận 5 (TP.HCM) cho biết, đang bán bộ tiết kiệm điện năng cho hộ gia đình với giá 270.000 đồng.
|
Bên trong thiết bị được quảng cáo có tác dụng giảm lượng điện tiêu thụ cho hộ gia đình. |
Người này tư vấn rằng, bên trong thiết bị có tụ bù để làm ổn định dòng điện, giúp cho các vật dụng trong nhà có độ bền cao hơn, còn có thể tiết kiệm tiền điện từ 8 - 12%.
Thiết bị tiết kiệm điện lắp vào gia đình giúp cho dòng điện trong nhà vận hành ổn định hơn. Từ đó, tối ưu được công suất tiêu thụ của các thiết bị điện và đưa nó tiến gần về công suất của nhà sản xuất, giúp tăng tuổi thọ của các thiết bị điện trong nhà và tiết kiệm được phần nhỏ điện năng.
Nguyên lý của thiết bị được mô tả là chủ yếu tiết kiệm lúc đề-pa, như tủ lạnh không phải lúc nào cũng bung hơi lạnh mà chỉ theo định kỳ khi nhiệt độ tăng. Khi hơi lạnh bung, máy nén hoạt động mạnh, nếu xài thiết bị sẽ tiết kiệm được một phần điện năng tiêu thụ.
Để nhấn mạnh lời tiếp thị, Giang còn quả quyết: “Sản phẩm của mình đã thử trên nhiều hộ gia đình. Chẳng hạn như bình đun nước siêu tốc được nhà sản xuất ghi thông tin là 1800W nhưng thực tế sẽ tiêu hao hơn 2000W. Thiết bị tiết kiệm điện này sẽ giảm phần hao hụt phát sinh trong quá trình sử dụng đồ điện”.
Thậm chí, người này còn đưa ra đề nghị “chơi gameshow” là cung cấp đồ điện cho khách hàng xài miễn phí như quạt máy. Sau 3 tháng sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, nếu số điện trung bình giảm xuống, Giang sẽ quay lại lấy tiền đồ điện và phí dịch vụ. Nếu không, khách cứ giữ lại những món đồ điện.
Ví dụ như với một hộ gia đình thường xài 500 kWh/tháng, Giang cho biết sẽ cần xài 2 thiết bị tiết kiệm để giảm số điện còn khoảng 400 – 450 kWh.
“Nếu nhà xài từ 250 kWh/tháng đổ lại, dù xài 1 hay 10 cái cũng vậy. Còn trên 600kWh/tháng nên xài 3 thiết bị mới đạt hiệu quả. Vị trí để cắm thiết bị là bất kỳ ổ điện nào trong nhà, chỉ cần sau công tơ điện. Nếu muốn hiệu quả hơn, nên cắm vào ổ nào sử dụng nhiều đồ điện”, Giang nói.
Ngoài công dụng tiết kiệm điện, người bán hàng còn nói về việc giúp đồ điện tăng độ bền, từ 2 năm lên gần 3 năm. Nhưng khi khách hàng hỏi cách để xác nhận điều này, Giang đáp rằng “có thể đo độ nóng tại cục điện trở, khi xài nhiệt độ giảm mạnh”. Thế nhưng, thiết bị để đo đạc sự biến động này tìm mua ở đâu thì Giang không nói được.
Còn trang “Thiết Bị Tiết Kiệm Điện - Electricity saving box” lại chỉ bán online với giá 350.000 đồng/thiết bị (giá cũ là 590.000 đồng) nhưng không có cửa hàng để khách đến xem trực tiếp. Các bài viết trên trang này đưa thông tin ưu điểm của thiết bị là “nhỏ gọn,rất dễ sử dụng, chỉ cần cắm vào ổ điện trong nhà là xong”. Sau đó, thiết bị sẽ giúp “tiết kiệm 20-30% chi phí tiền điện hằng tháng, tối ưu hóa chất lượng nguồn điện”.
Hàng tỷ đồng truy thu gian lận
Trước tình trạng rao bán, tìm mua thiết bị tiết kiệm điện ngày càng nhiều, PV đã có trao đổi với ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc EVN TP.HCM - khẳng định: “Những quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện, thẻ tiết kiệm điện chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng, lợi dụng tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng.
Vì vậy, khách hàng sử dụng điện không nên mua và không sử dụng các thiết bị trên do các thiết bị này không được các cơ quan quản lý nhà nước hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín chứng nhận”.