"Soi" chuyện làm ăn của chủ đầu tư Công viên hồ Tây

Google News

Haseco là đơn vị xây dựng và vận hành Công viên hồ Tây – nơi vừa xảy ra vụ 7 người chết tại lễ hội âm nhạc “Du hành tới mặt trăng” (Trip to the moon) tổ chức tối 16/9.

 
Theo tìm hiểu của PV, Công viên hồ Tây do Công ty Cổ phần Dịch vụ giải trí Hà Nội (Haseco) làm chủ đầu tư. Công ty này có trụ sở chính tại 614 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0100844825 do Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp lần đầu ngày 9/8/1999 và đăng ký thay đổi lần thứ 7 ngày 19/7/2016.
Kể từ khi thành lập (năm 1999) đến nay, Haseco đã trải qua 3 lần tăng vốn: lần 1 phát hành 240.000 cổ phần (mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần) vào năm 2000; lần 2 phát hành 90.000 cổ phần (mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần) vào tháng 1/2001; lần 3 phát hành 1,49 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần) vào tháng 8/2001. Vốn điều lệ thực góp của Haseco là 92,9 tỷ đồng (vốn đăng ký 100 tỷ đồng).
Từ năm 2012, Haseco trở thành công ty đại chúng và bắt đầu niêm yết trên sàn UPCoM từ năm 2016 với mã HES.
Đến thời điểm hiện tại, Haseco có 424 cổ đông, trong đó có 5 cổ đông lớn gồm: Tổng công ty Du lịch Hà Nội (4,27 triệu cổ phần, chiếm 45,92% vốn), Tập đoàn Bảo Việt (1,8 triệu cổ phần, chiếm 19,36%), Công ty TNHH Trí Thành (525.000 cổ phần, chiếm 5,647%), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sen (504.775 cổ phần, chiếm 5,429%), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sen (433.790 cổ phần, chiếm 4,666%), Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (470.500 cổ phần, chiếm 5,061%).
Lĩnh vực hoạt động chính của Haseco là kinh doanh các trò chơi dưới nước, trên cạn (công viên hồ Tây). Dự án này được Haseco đầu tư trong giai đoạn 1998 – 2000, gồm 2 hạng mục: công viên nước và công viên trên cạn (hay còn gọi là công viên Mặt trời mới).
Công viên nước Hồ Tây được khai trương và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/5/2000 với quy mô 6,4ha, gồm 14 khu trò chơi. Công viên trên cạn rộng 1,7ha, đi vào hoạt động từ ngày 2/7/2000 với 15 loại trò chơi ngoài trời.
Ngoài kinh doanh công viên, Haseco còn kinh doanh bán lẻ (siêu thị Haco-Mart ngay lối vào công viên nước), kinh doanh ẩm thực, kinh doanh tổ chức sự kiện (trung tâm sự kiện và truyền thông Haseco), kinh doanh dịch vụ du lịch (trung tâm du lịch Haseco Travel), kinh doanh bãi xe, kinh doanh nhà khách.
Trong năm 2017, tổng lượng khách của Haseco đạt 501.408 lượt, giảm 13.800 lượt (tương đương giảm 2,69% so với năm 2016). Tổng doanh thu đạt 119,43 tỷ đồng, giảm 7,91% so với năm trước; trong đó hoạt động kinh doanh chính tại công viên đạt 88,63 tỷ đồng (tăng 0,44%), hoạt động phát sinh doanh thu ngoài công viên đạt 30,8 tỷ đồng (giảm 25,7%).
Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của Haseco đạt 6,3 tỷ đồng (tăng 26,1% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế 5 tỷ đồng (tăng 28,37%).
Về tài sản, tại thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản của Haseco là 123,4 tỷ đồng (tăng 0,82% so với đầu kỳ). Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 900 triệu đồng (tăng 16,4%), đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 5 tỷ đồng (tăng 90,9%), các khoản phải thu ngắn hạn tăng 5,27 tỷ đồng (tăng 164,76%), hàng tồn kho tăng 579 triệu đồng (tăng 50,13%), tài sản ngắn hạn khác giảm 1,39 tỷ đồng (giảm 73,24%), tài sản dài hạn giảm 9,35 tỷ đồng (giảm 8,8%).
Về nguồn vốn, nợ phải trả của Haseco tại ngày 31/12/2017 là 10,2 tỷ đồng, tăng 826 triệu đồng (tăng 8,79% so với đầu kỳ); vốn chủ sở hữu là 113 tỷ đồng, tăng 183 triệu đồng (tăng 0,16%).
Được biết Haseco hiện đang phải đối mặt với các khó khăn như sự bất thường của thời tiết khiến lượng khách đến công viên giảm sút, thiết bị trò chơi của Công viên hồ Tây đã cũ…
Tuy vậy, năm 2018, công ty vẫn đặt kế hoạch doanh thu 125,7 tỷ đồng, tăng 5,29% so với năm trước; kế hoạch lợi nhuận trước thuế 7,66 tỷ đồng, tăng 20,15%; kế hoạch lợi nhuận sau thuế 6,06 tỷ đồng, tăng 20,39%; chỉ tiêu cổ tức 6%/mệnh giá hay 600 đồng/cổ phần, tăng 20%.
Theo Vĩnh Chi (Vietnamfinance)
Theo Anh Mai/Nhà đầu tư

>> xem thêm

Bình luận(0)