CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất với một cú sốc lớn đối với nhiều nhà đầu tư: lỗ ròng 539 tỷ đồng trong quý 2/2019, cao hơn rất nhiều so với mức lỗ 37 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng 2019, HAG lỗ 503 tỷ đồng, so với mức lỗ 34,5 tỷ đồng cùng kỳ 2018.
Một thông tin tiêu cực nữa là doanh thu hợp nhất quý 2/2019 chỉ đạt 513 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số gần 1.888 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng doanh thu của HAG chỉ đạt 923 tỷ đồng, so với mức hơn 2,9 ngàn tỷ đồng cùng kỳ 2018.
Trong 6 tháng 2019, doanh thu từ trái cây giảm mạnh xuống chỉ còn 607 tỷ đồng, so với mức gần 1,42 ngàn tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Hoàng Anh Gia Lai đã hoàn toàn không còn doanh thu từ mảng bất động sản sau khi bán các dự án trong nước từ vài năm trước đó, trong khi bất động sản ở Myanmar cũng chuyển dần cho Thaco của ông Trần Bá Dương.
Một lĩnh vực được kỳ vọng rất lớn là bò thịt và bò sữa cũng không hề ghi nhận doanh thu trong 6 tháng đầu năm. Dự án chăn nuôi bò thịt và bò sữa hàng trăm ngàn con, ngồi Việt Nam bán khắp Đông Nam Á, của Bầu Đức gặp khó khăn và đổ bể.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp của Bầu Đức ghi nhận một số tín hiệu tích cực, trong đó có doanh thu từ cao su tăng mạnh từ mức gần 55 tỷ đồng nửa đầu năm trước lên gần 119 tỷ đồng nửa đầu năm nay.
Hiện tại, HAG đang có gần 50 ngàn hecta cao su trồng tại Lào, Campuchia và Việt Nam và 1 nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn/năm tại Lào. Nếu giá cao su hồi phục, đây sẽ là một mảng đóng góp lớn vào doanh thu cho doanh nghiệp của Bầu Đức.
|
Bầu Đức vẫn đang nỗ lực tái cấu trúc HAGL. |
Một tín hiệu tích cực nữa là tổng dư nợ vay của HAG giảm mạnh. Nợ ngắn hạn giảm từ 6,95 ngàn tỷ đồng xuống còn 6,4 ngàn tỷ đồng; nợ dài hạn giảm từ 14,8 ngàn tỷ đồng xuống còn 11,2 ngàn tỷ đồng. Tính chung, nợ của HAG giảm hơn 4,1 ngàn tỷ đồng so với cuối 2018, xuống còn 17,6 ngàn tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo, phần lớn nợ giảm là các trái phiếu dài hạn trong nước. Đây là các khoản mà doanh nghiệp của Bầu Đức đã trả cho một số tổ chức như VPBank và một số công ty chứng khoán.
HAG hiện còn nợ trái phiếu là gần 7,5 ngàn tỷ đồng, trong đó trái phiếu của Ngân hàng BIDV là gần 5,9 ngàn tỷ đồng.
Trong kỳ, HAG ghi nhận khoản mục hơn 4,3 ngàn tỷ đồng nhận tiền ứng trước mua cổ phần công ty con. Nhiều khả năng đây là số tiền mà Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương để mua cổ phần HAGL Agrico (HNG).
HAGL Agrico trong nửa đầu năm lỗ gần 740 tỷ đồng. HAGL Agrico đang vay công ty mẹ HAGL 2,9 ngàn tỷ đồng và vay ngắn hạn Thaco 1.260 tỷ đồng.
Trong vài tháng trước đó, các doanh nghiệp của Bầu Đức liên tục đón tin vui, chuộc nợ nhiều ngàn tỷ đồng từ ngân hàng và giá cổ phiếu tăng mạnh. Tuy nhiên, gần đây cả 2 cổ phiếu HAG và HNG đều giảm trở lại.
Trong chiến lược mới, HAGL xác định 2019 là năm bản lề quan trọng để tập đoàn đi vào giai đoạn 2020 - 2025, phát triển bền vững, làm đòn bẩy đưa HAGL trở thành Tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Châu Á vào năm 2025.
Theo một thỏa thuận được 2 bên ký kết hồi tháng 8/2018, Thaco và nhóm cổ đông sẽ sở hữu 35% tổng số cổ phần của HAGL Agrico (doanh nghiệp quản lý mảng nông nghiệp của HAGL). Thaco cũng sẽ sở hữu 65% Công ty HAGL Myanmar.
Bầu Đức là người có tầm nhìn dài hạn, từng đầu tư sớm vào nhiễu lĩnh vực, từ gỗ, bất động sản, thủy điện, mía đường… nhưng đã từ bỏ gần hết và giờ còn mảng cây trái.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), một loạt cổ phiếu trụ cột bị chốt lời khiến VN-Index đảo chiều giảm gần 12 điểm. Những mã giảm giá mạnh bao gồm: Vietcombank, BIDV, Petrolimex, Vingroup, Vinhomes, Vincom Reatil, Bảo Việt, GAS, Masan…
Ở chiều ngược lại, chỉ có Sabeco của tỷ phú Thái tăng giá sau thông tin lãi lớn.
Các CTCK có những dự báo khá thận trọng.
Theo SHS, thị trường xác nhận việc vượt không thành công ngưỡng 1.000 điểm và chính thức đánh mất trenline tăng ngắn hạn từ đầu tháng đến nay và có khả năng sẽ bước vào một nhịp điều chỉnh ngắn hạn.
Nhìn vào các chỉ báo động lượng như MACD hay RSI thì có thể thấy là thị trường vẫn còn dư địa giảm trong các phiên tiếp theo. Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của thị trường được xác định tại 980 điểm (MA50) và 970 điểm (MA50). Ở một góc nhìn khác, khối ngoại tiếp tục bán ròng với khoảng gần 250 tỷ đồng trên hai sàn, đây là một điểm tiêu cực đối với thị trường.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/7, VN-Index giảm 11,92 điểm xuống 986,02 điểm; HNX-Index giảm 0,86 điểm xuống 104,43 điểm và Upcom-Index giảm 0,75 điểm xuống 58,43 điểm. Thanh khoản đạt 190 triệu đơn vị, trị giá 4,3 ngàn tỷ đồng.