Giảm dần số lỗ
Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa có báo cáo quý I.2018 gửi về Bộ Công Thương liên quan đến 4 dự án thua lỗ của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình; Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Công ty cổ phần DAP - Vinachem; Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem.
|
Đạm Ninh Bình đã tổ chức chạy lại máy thành công, giảm lỗ so với cùng kỳ năm ngoái 8 tỷ đồng. Ảnh: T.L. |
Theo báo cáo, mặc dù được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm và từng bước giải quyết, tháo gỡ khó khăn về chính sách, vốn…, nhưng cả 4 dự án của Vinachem đều hết sức khó khăn trong việc vay vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.
Riêng 2 Công ty DAP trong quý I.2018 còn gặp bất lợi về sản xuất do nguồn cung NH3 từ nhập khẩu bị gián đoạn. Tuy nhiên, kết quả hoạt động SXKD của cả 4 dự án thua lỗ của Vinachem đều có nhiều tín hiệu khả quan, có sự tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu và giảm lỗ đáng kể so với cùng kỳ.
Theo báo cáo, trong những tháng đầu năm, Đạm Ninh Bình đã tổ chức chạy lại máy thành công. Thời gian chạy máy trong quý I là 57 ngày, phụ tải trung bình hệ thống đối với sản xuất NH3 đạt khoảng 78%, sản xuất ure đạt khoảng 75%. Tình hình tiêu thụ cũng có nhiều thuận lợi do đúng mùa vụ, sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ ngay, lượng tồn kho không có, giá bán sản phẩm tăng. Kết quả kinh doanh quý I.2018 của Đạm Ninh Bình đã giảm lỗ so với cùng kỳ năm ngoái 8 tỷ đồng.
Quý I.2018, Công ty CP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc lỗ 86,25 tỷ đồng (theo kế hoạch lỗ 162 tỷ đồng), giảm lỗ so với cùng kỳ năm ngoái 88,75 tỷ đồng. Nguyên nhân là định mức tiêu hao giảm làm giảm chi phí nguyên vật liệu 17,7 tỷ đồng; giá bán tăng (chủ yếu giá NH3 tăng 820 đồng/kg) làm giảm lỗ 19,1 tỷ đồng; giá than giảm làm giảm lỗ 20,5 tỷ đồng; phụ tải bình quân của dây chuyền cao (tính theo số ngày chạy máy) đạt 91,96%.
Tuy vậy, Hoá chất Hà Bắc gặp khó khăn khi một số yếu tố làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh so với cùng kỳ: Chi phí tài chính tăng 14,1 tỷ đồng (do tiền lãi quá hạn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam); chi phí khấu hao tài sản cố định tăng gần 10 tỷ đồng (77, 4 tỷ đồng); chi phí bán hàng tăng 6,9 tỷ đồng (do chi phí vận chuyển NH3 tăng).
Với Công ty CP DAP - Vinachem, do tác động của việc áp thuế tự vệ tạm thời đối với phân bón DAP/MAP nhập khẩu nên tình hình tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước đầu năm có nhiều thuận lợi, tăng 19,51% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, từ khi Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức (ngày 2.3.2018) với mức thuế tự vệ giảm từ 1,855 triệu đồng/tấn xuống còn 1,128 triệu đồng/tấn, giá DAP trong nước có chiều hướng giảm, thị trường tiêu thụ trong nước có dấu hiệu chững lại.
Sản lượng sản xuất DAP trong quý I.2018 đạt 98,05% so với cùng kỳ do gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu NH3, công ty phải nghỉ sản xuất gián đoạn mất 10 ngày. Tuy vậy, lợi nhuận quý I.2018 vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái 53,501 tỷ đồng.
Còn Công ty CP DAP số 2 - Vinachem lỗ 71,17 tỷ đồng, cao hơn so với lỗ kế hoạch (111,9% kế hoạch), tăng so với cùng kỳ năm ngoái 183,006 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chi phí tăng 4,63 tỷ đồng so với kế hoạch (tăng chủ yếu là: Chi phí bán hàng, chi phí ủy thác xuất khẩu, chi phí vận chuyển); giá thành sản xuất tăng trung bình 0,14 triệu đồng/tấn so với kế hoạch dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm 8,06 tỷ đồng.
Vẫn xin cơ chế ưu đãi
Những công ty này vẫn tiếp tục xin Chính phủ và Bộ Công Thương những ưu đãi để khắc phục nhanh hơn số lỗ. Với dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2, công ty này xin đưa sản phẩm phân bón DAP thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất từ 0-5% thay cho quy định đang có hiệu lực “không thuộc đối tượng chịu thuế VAT đầu ra”.
Ngoài ra, đối với khoản vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho đầu tư dự án, công ty xin điều chỉnh giảm lãi suất từ 9,6% xuống mức ưu đãi nhất, giãn thời gian trả nợ từ 10 năm lên 20 năm và khoanh nợ tiền gốc và tiền lãi được trả dần từ năm 2019.
Với khoản vay tại Vietinbank, xin giảm lãi suất từ 9,5% xuống mức ưu đãi nhất, giãn thời gian trả nợ từ 12 năm lên 20 năm, khoanh nợ tiền gốc và tiền lãi được trả dần từ năm 2019.
Đạm Ninh Bình cũng xin giãn nợ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trả lãi suất 3%/năm cho 5 năm đầu từ 2018-2022, từ năm 2022-2028 trả lãi suất 8,55%/năm. Hoặc nợ khoanh nợ 5 năm từ năm 2018 đến hết năm 2022 cho Công ty Đạm Ninh Bình để giảm khó khăn về dòng tiền và để công ty có thể tiếp tục chạy máy ổn định.