|
Kiên Giang kiến nghị được đón khách Nga tới Phú Quốc theo hình thức cách ly nghỉ dưỡng. Ảnh: KỲ SƠN |
Phú Quốc sẵn sàng
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, trên tinh thần kết luận số 07 của Bộ Chính trị giao các bộ, ngành nghiên cứu thí điểm đón khách quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin”, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch từ nay đến cuối năm và tới hết 2022.
Tuần qua, đoàn công tác của lãnh đạo Bộ Y tế, Tổng cục Du lịch làm việc với Kiên Giang trong đó đề cập việc chọn Phú Quốc là điểm đón khách quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin”.
“Ngành y tế Kiên Giang lên kế hoạch tiêm ngừa vắc-xin COVID-19 cho toàn dân Phú Quốc, cho nhân viên phục vụ tại các khu và điểm du lịch để chuẩn bị thí điểm đón khách quốc tế. Chúng tôi mong Bộ VHTTDL phối hợp các bộ, ngành sớm xúc tiến việc này”, ông Thái phát biểu tại Hội nghị trực tuyến định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển Văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, diễn ra sáng 29/6.
Kiên Giang có lợi thế lớn về biển đảo, điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch biển đảo. Lãnh đạo tỉnh kiến nghị cho phép khách Nga có “hộ chiếu vắc-xin” đến Phú Quốc nghỉ dưỡng theo mô hình “Du lịch cách ly khép kín” thông qua các chuyến bay thuê bao, nghỉ tại một điểm. Sau khi đánh giá ban đầu, địa phương xin tiếp tục mở rộng đón khách các nước khác có “hộ chiếu vắc-xin”. Khách Nga cũng nằm trong số thị trường quốc tế quen thuộc của Phú Quốc, đồng thời có mức chi tiêu cao.
Bộ VHTTDL giao Tổng cục Du lịch chuẩn bị phương án đề xuất Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế, sau đó lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao trước khi trình Chính phủ đầu tháng 7. Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL nói, phương án đón khách phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
|
Ðề xuất ưu tiên tiêm vắc-xin sớm cho lao động ngành du lịch. Ảnh: KỲ SƠN |
Cân bằng thị trường du lịch
Tại Hội nghị trực tuyến sáng 29/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lưu ý 7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong phát triển du lịch như ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, công nghệ số phát triển du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi và phát triển trong bối cảnh COVID-19.
Ông Hùng nêu vấn đề cần tính toán, cân bằng lại thị trường du lịch sau khi dịch qua đi. Đã có một thời gian chúng ta tập trung đón khách quốc tế, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, ngành du lịch nhìn thấy bất cập với thị trường gần 100 triệu khách nội địa.
“Sắp tới chương trình du lịch phải hướng tới thị trường cân bằng, bền vững giữa du lịch nội địa và đón khách quốc tế. Quá trình đó không đặt trọng tâm vào tỷ lệ lượt khách, mà tính theo mức chi tiêu của du khách, sự đóng góp cho nền kinh tế”, ông Nguyễn Văn Hùng nói.
Lãnh đạo bộ này yêu cầu các địa phương nghĩ tới việc mỗi tỉnh/thành có được một sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt tạo nên chuỗi liên kết các sản phẩm của cả nước. Muốn phát triển du lịch không thể không đầu tư hạ tầng, muốn thực hiện được không thể chỉ trông chờ ngân sách mà cần đẩy mạnh hợp tác công-tư.
Góp ý cho Bộ VHTTDL về loạt giải pháp khôi phục du lịch, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh nêu ý kiến cần cụ thể hóa quy định trong Luật Du lịch, chẳng hạn ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Du lịch Quảng Ninh cũng chờ bộ triển khai bài bản giải pháp kinh tế đêm đã được Chính phủ cho thí điểm, chứ không chỉ xây dựng một vài tuyến phố đi bộ là xong.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu một số nhiệm vụ cụ thể trong Chiến lược phát triển văn hóa, nhất là cụ thể hóa nhóm nhiệm vụ về những vấn đề bức xúc hiện nay. Ông Hùng cho rằng xây dựng môi trường văn hoá và đời sống văn hoá lành mạnh là gốc rễ của Chiến lược. Nội hàm trọng tâm của Chiến lược là đảm bảo mục tiêu Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng về khơi dậy và phát huy khát vọng xây dựng đất nước hùng mạnh, trong đó văn hóa được xác định là động lực của sự phát triển, là yếu tố nội sinh.
Quanh câu chuyện xúc tiến, quảng bá du lịch trong bối cảnh mới, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu thực tế, từ trước tới nay chúng ta thường ưu tiên phát triển thị trường quốc tế gần.
Tới khi COVID-19 bùng phát, việc ứng dụng tiếp thị số, du lịch trực tuyến và quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ cho nên ưu thế của thị trường gần không còn nhiều giá trị nữa.
“Để chuẩn bị đón cao trào tăng trưởng sau khi kiểm soát được đại dịch, ngành du lịch cần tập trung nghiên cứu chọn lựa và phát triển các thị trường nhiều khách, chi trả cao. Cuộc cạnh tranh du lịch trong giai đoạn “bình thường mới” sẽ gắn với yếu tố công nghệ, do vậy cần đầu tư nguồn lực ngay từ bây giờ để thiết lập các mối quan hệ, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp và triển khai xúc tiến tại các thị trường này”, ông Bình nói.
Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch phân tích, yếu tố quan trọng hàng đầu để khôi phục các hoạt động du lịch quốc tế là phải nâng cao tỷ lệ tiêm vắc-xin cho lao động trong ngành du lịch. Ngành du lịch cần coi những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch là những chiến sĩ tuyến đầu trong mặt trận kinh tế, vì vậy phải trang bị ngay cho họ vũ khí vắc-xin để họ đủ điều kiện hoạt động, khách du lịch yên tâm đến Việt Nam.