Mới đây, Công an TP Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Y dược Vimedimex về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.
Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex tiền thân là công ty xuất nhập khẩu đầu tiên của Bộ Y tế được thành lập năm 1984. Sau khi cổ phần hóa, trải qua nhiều lần tăng vốn dẫn đến hiện tượng pha loãng, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước giảm từ 51% xuống còn 19,14% (tháng 7/2010).
|
Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Y dược Vimedimex. Ảnh: Vietpharm |
Doanh nghiệp này chuyên về phân phối dược phẩm, nhất là thuốc nhập khẩu. Ngoài ra, Vimedimex còn sở hữu thương hiệu bất động sản Vimefulland. Công ty bất động sản này phát triển các dự án như Iris Garden, Eden Rose, The Emerald...
Ở lĩnh vực dược phẩm, Vimedimex này còn có tham vọng lấn sân vào mảng nghiên cứu, sản xuất, khi đang hợp tác với Công ty Vimedimex 2 xây dựng 2 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-EU gồm nhà máy sản xuất NonBetalactam và nhà máy sản xuất Cephalosporin, dự kiến đưa vào vận hành tháng 9/2022 và tháng 12/2022.
Để mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn cung vắc xin COVID-19 đảm bảo chất lượng, ngày 7/8 Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ Công ty cổ phần y dược phẩm Vimedimex (Vimedimex) nhập khẩu vắc xin Sputnik V về Việt Nam.
Theo đó, Vimedimex trở thành đối tác chiến lược của Group 42 và Công ty Royal Strategics Partners tại UAE để nhập khẩu, phân phối vắc xin COVID-19 tại Việt Nam.
Vimedimex cũng chỉ định công ty con của mình là Công ty TNHH - Trung tâm phân phối dược phẩm Vimedimex trực tiếp thực hiện chức năng phân phối bán lẻ, bán online trên nền tảng phần mềm Oracle netsuite, Mobile App kết nối trực tiếp đến bác sỹ kê đơn và chức năng bán buôn, bán lẻ online, đấu thầu kết nối trực tiếp đến các bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc trên nền tảng ứng dụng phần mềm của công ty.
|
Trụ sở Vimedimex trên phố Bà Triệu. Ảnh: Tiền phong |
Năm 2020, Vimedimex mở rộng hợp tác liên doanh với bệnh viện Phổi Trung ương, phát triển hệ thống Phòng khám đa khoa vệ tinh - CNC hoạt động theo mô hình bác sỹ gia đình với mục tiêu: Vận hành hệ thống phòng khám đa khoa, nhà thuốc theo quy mô dân cư, nằm trong các dự án bất động sản do Vimefulland phát triển.
Trong lĩnh vực bất động sản, Vimefulland là thương hiệu địa ốc nổi lên rất nhanh ở thị trường Hà Nội với hàng loạt dự án như Belleville Hà Nội tại quận Bắc Từ Liêm, Emerald Center Park tại quận Nam Từ Liêm, The Eden Rose tại huyện Thanh Trì...
Theo Nhadautu.vn, nhiều dự án kể trên là do các thành viên của Vimedimex M&A hoặc liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư. Chẳng hạn như khu nhà thấp tầng Belleville Hà Nội do CTCP Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm liên doanh với CTCP đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội; Dự án The Emerald do CTCP Bất động sản Mỹ Đình hợp tác với CTCP Đầu tư xây dựng phát triển nhà Hà Nội; hay như CTCP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm (tiền thân là CTCP Đầu tư và Kinh doanh Vàng Quốc tế) hợp tác Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam thực hiện dự án Khu đô thị An Thịnh 6, Hoài Đức.
Bên cạnh đó, Vimedimex còn thông qua CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng làm dự án tuyến đường Minh Khai-Vĩnh Tuy-Yên Duyên dài 1,65 km để đổi lấy 60ha đất đối ứng ở ba khu vực “đất vàng” của quận Hoàng Mai theo dự án BT.
Vimedimex từng có mối quan hệ khăng khít với VietABank. VietABank là nhà băng thu xếp vốn cho gần như toàn bộ dự án bất động sản của Vimefulland.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại, vai trò đối tác của VietABank dần suy giảm đối với Vimefulland, thay vào đó là một nhà băng có quy mô lớn hơn đáng kể.
Video: Sai phạm nghiêm trọng về đấu giá đất ở Hà Nội. Nguồn: VTV24