Mới đây, 5 chùm nho có xuất xứ từ Nhật Bản được một cửa hàng trái cây nhập khẩu tại TP.HCM xách tay về với giá 11 triệu đồng/chùm được bán hết trong vòng… một nốt nhạc.
Không chỉ loại nho này, người tiêu dùng Việt còn sẵn sàng chi cho nhiều trái cây cao cấp được nhập khẩu có giá cao ngất ngưởng khác.
Đủ loại trái cây đắt đỏ, giá tính bằng USD
Mỗi chùm nho Ruby Roman được cửa hàng trái cây nhập khẩu trên đường Lê Thị Riêng (quận 1) được giới thiệu xách tay từ Nhật Bản về, được rao bán với giá 11 triệu đồng. Mỗi chùm nho trị giá gần 500 USD này chỉ có khoảng gần 30 quả với khối lượng chưa đến 1 kg, trung bình nặng từ 800-900 g.
Dù có giá khủng, ngay khi có mặt tại TP.HCM, 5 chùm nho đã có khách mua hết và những người đến sau phải đặt trước thì chủ cửa hàng mới nhập về.
|
Chùm nho Ruby Roman Nhật Bản xách tay về nước có giá 11 triệu đồng/chùm có khối lượng 800-900 g. |
Nhân viên một cửa hàng trái cây nhập khẩu giới thiệu nho Ruby có đặc điểm khác biệt: quả nho to với đường kính từ 2-3 cm, vỏ có màu đỏ mận, vị ngọt và có hương của nho mẫu đơn cùng hương rượu Pioneer.
“Loại này khá hiếm hàng tại Nhật, chúng tôi xách tay được là do mua lại từ những người tham gia bán đấu giá. Mỗi lần nho Ruby về cũng không được nhiều chùm, được bảo quản cẩn thận. Nhu cầu dùng của người dân khá cao nên không sợ ế”, chị cho hay.
Nhân viên này nói thêm ngoài mua theo chùm, nhiều người cũng sẵn sàng chi khoảng 500.000 đồng cho một hộp nho Ruby chỉ 2-3 quả để dùng thử.
Không chỉ cung cấp nho Ruby, cửa hàng này còn nhập một loại nho khác từ Nhật là nho mẫu đơn với giá đắt không kém: 4 triệu đồng/chùm nặng từ 600-800 g.
Nhiều loại trái cây nhập khẩu khác có giá cao gấp rất nhiều lần nông sản trong nước nhưng người dùng vẫn sẵn sàng bỏ tiền triệu để sở hữu.
Hình dáng và hương vị không khác nhiều so với dưa trồng tại các tỉnh, thành ở Việt Nam nhưng trên thị trường hiện dưa hấu tròn Nhật Bản có giá hơn 1 triệu đồng/kg. Trong khi đó, dưa hấu vuông với hình dáng độc lạ nhập từ nước này về lại có giá đắt hơn nữa, dao động từ 4-5 triệu đồng/quả.
Ngoài ra, cherry Mỹ, lê Nam Phi, chà là Ấn Độ, đào Hàn Quốc, kiwi Australia… có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng cũng được bán chạy tại các cửa hàng trái cây nhập khẩu.
Chị M.Trang (34 tuổi, quận Bình Thạnh) cho biết chị thường đến cửa hàng trái cây nhập khẩu gần nhà để mua về trữ trong tủ lạnh, đến khi muốn ăn là có ngay.
“So với thu nhập hiện tại, việc mua trái cây nhập khẩu để dùng cũng không có gì phải quá đắn đo. Những mặt hàng này về hình thức trông rất bắt mắt, chất lượng cũng rất đảm bảo do xuất xứ hầu hết đều của các nước rất gắt gao về quy trình trồng trọt”, chị Trang nói.
Người Việt ngày càng thích trái cây nhập khẩu
Trong khi nhu cầu về trái cây nhập khẩu ngày càng cao thì thị trường cung cấp mặt hàng này tại TP.HCM cũng trở nên nóng hơn. Sự nhộn nhịp này có phần tham gia tích cực của người mua lẫn người bán.
Bằng từ khóa tìm kiếm “trái cây nhập khẩu” trên mạng xã hội, không chỉ xuất hiện các cửa hàng cố định như trước, hiện nhiều người cũng tham gia kinh doanh mặt hàng này với hình thức mua bán online.
|
Dâu tây Hàn Quốc, cherry Mỹ là một trong những quả bán chạy tại các cửa hàng trái cây nhập khẩu. |
Theo tiết lộ của một số tay chơi mới, họ bán trái cây nhập khẩu vì thấy được đây là thị trường tiềm năng khi nhu cầu về các loại quả có nguồn gốc Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ… của người dân ngày một tăng.
“Đăng tin bán trái cây xách tay từ Nhật Bản được một tháng nay, ngoài người quen mua ủng hộ, tôi còn bán được cho nhiều khách hàng mới. Lúc đầu nghĩ rằng kinh doanh thử nhưng thấy bán khá ổn và đơn hàng cũng ngày một nhiều hơn”, chị T.Nguyên, một người mới bán trái cây nhập khẩu, cho hay.
Do có người quen tại Nhật Bản nên hiện hầu hết trái cây chị Nguyên bán đều có xuất xứ tại nước này như dưa hấu, nho Ruby, nho mẫu đơn, táo Sekai-ichi…
Chị cho hay vì không tốn phí mặt bằng nên giá chị cung cấp thường thấp hơn một chút so với các cửa hàng. Với tình hình kinh doanh hiệu quả, chị dự định sắp tới sẽ kết nối một số người bạn tại Australia, Mỹ để bán thêm nhiều loại trái cây khác, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng Việt.
Trong khi đó, nhân viên một cửa hàng trái cây nhập khẩu trên đường Võ Thị Sáu (quận 3) tiết lộ thêm việc bỏ một số tiền lớn để mua những loại trái cây cao cấp này với họ là hết sức bình thường. Đa phần khách hàng mua về để dùng, riêng những loại trái cây đắt nhất hiện có trên thị trường chủ yếu để biếu tặng.
Gần 2 năm bán hàng tại đây, chị nhận xét người Việt ngày càng thích dùng trái cây nhập khẩu hơn, bằng chứng là đơn hàng ngày một nhiều ở cả hình thức mua trực tiếp tại cửa hàng và đặt, giao theo thông tin đăng trên website.
Chị cho rằng ngoài chất lượng thì hình thức đóng gói, mẫu mã và chế độ hậu mãi là những yếu tố để người dùng Việt sẵn sàng chi tiền triệu để mua trái cây nhập khẩu đắt đỏ này.