Làng Lô Lô Chải nằm cách cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) chừng 1km được công nhận là Làng Văn hóa du lịch từ năm 2022. Nơi đây được ví như vùng đất cổ tích nhờ sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ.
Người dân sinh sống tại Lô Lô Chải ngày nay chủ yếu là người Lô Lô và người H'Mong.
Những mảng tường đắp đất truyền thống, mái nhà lợp ngói, khoảng sân nhỏ, con dốc cheo leo... là nét đặc trưng của điểm du lịch này. Hiện dịch vụ lưu trú tại các ngôi nhà này có giá từ 200.000 đồng - 1 triệu đồng/người.
Từ sau khi chuyển sang kinh doanh mô hình du lịch trải nghiệm, kinh tế, đời sống của các gia đình tại Lô Lô Chải đã có nhiều thay đổi tích cực. Trước kia bà con chủ yếu làm nương rẫy, nay kinh doanh thêm về du lịch, có thu nhập ổn định.
Anh Dìu Dỉ Thuế (người Lô Lô) kinh doanh homestay tại Lô Lô Chải. Anh kể, cuối năm 2019 sau khi được chính quyền vận động và hỗ trợ 60 triệu đồng mỗi gia đình để chuyển đổi phương thức làm kinh tế. "Mới đầu hoang mang lắm vì không biết có ra tiền được không. Sau đó đại dịch Covid-19 ập đến, du lịch trì trệ, khách tới rất ít, cả nhà lại quay về làm nương rẫy và chăn nuôi. Khoảng hơn 1 năm nay nhà tôi chuyển hẳn sang làm dịch vụ, cho thuê phòng nghỉ, bán đồ ăn, uống. Kinh tế gia đình cũng từ đó ổn định, khấm khá. Các con tôi đều đang theo học ở các trường nội trú của tỉnh", anh Thuế nói.
Bà chủ homestay (vợ anh Thuế) cũng tiết lộ thêm, mùa du lịch từ khoảng tháng 10 - tháng 3 năm sau. Vào dịp này doanh thu của gia đình khoảng 50 triệu đồng/tháng. Hiện vợ chồng chị đã xây thêm được một căn nhà ngay bên cạnh để ở. "Ngôi nhà cũ để cho khách thuê. Du lịch vẫn theo mùa. Mùa hè thường có nhiều mưa, khách ít. Dịch vụ lưu trú ở Lô Lô Chải chủ yếu đắt khách vào mùa đông và mùa xuân", hai anh chị chia sẻ.
Từ khi được công nhận là Làng Văn hóa du lịch, cách làm du lịch của người dân ở đây chuyên nghiệp hơn. Khách đến Lô Lô Chải chủ yếu theo đoàn hoặc những "phượt thủ" ưa dịch chuyển và trải nghiệm.
Thu Uyên (nữ du khách TP.HCM) lần đầu tiên tới Hà Giang, tâm sự: "Lô Lô Chải có không khí rất dễ chịu, se lạnh như Đà Lạt nhưng về kiến trúc, dịch vụ thì đậm chất văn hóa dân tộc hơn nên tôi cảm thấy rất thích. Chắc chắn sẽ có lần nữa ghé thăm".
Khách đến Lô Lô Chải thường ở lại 1-2 đêm để trải nghiệm đời sống văn hóa dân tộc. Các tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần hoặc dịp lễ, Tết, dịch vụ homestay ở ngôi làng này thường kín phòng. Do không đặt chỗ nghỉ trước, nhiều nhóm bạn trẻ khi đó phải quay trở lại Đồng Văn, Mèo Vạc để tìm chỗ lưu trú qua đêm.
Chị Vàng Thị Hương làm việc tại một quán cà phê trong thôn Lô Lô Chải được gần hai tháng nay. Trước đây ngoài làm nương rẫy, chị ở nhà dệt vải, thỉnh thoảng đi rừng hoặc làm thêm việc tay chân gì đó để gia tăng thu nhập. "Làm quán cà phê mình thấy nhẹ nhàng hơn đi rừng, lên nương mà thu nhập lại ổn định", chị Hương nói.
Học hết cấp 3, Vàng Thị Uyên cũng xin đi làm tại một cửa hàng trong thôn Lô Lô Chải. Cô được giao công việc tính toán sổ sách. "Em thấy mình may mắn khi có việc làm. Nhiều khi chứng kiến ông bà bố mẹ trong nhà sống dựa vào nương rẫy vất vả lắm", Uyên tâm sự.
Thôn Lô Lô Chải có 114 hộ, hiện có 29 nhà làm du lịch cộng đồng. Mỗi căn homestay đều được bố trí theo phong cách truyền thống: Hệ thống nhà vệ sinh, bàn uống nước, không gian sinh hoạt chung được bố trí rộng rãi. Các hiện vật cổ của người Lô Lô cũng được trưng bày trong các phòng, tạo sự gần gũi và thân thiện.