Theo báo VnExpress, sáng 4/4, anh Lê Hoàng Sơn (25 tuổi, ở xã Phước Hòa, huyện Tân Thành) cùng anh họ kéo lưới trên đoạn sông gần cửa cảng Cái Mép bắt được một con cá dài hơn một mét, nặng 9 kg.
Anh Sơn cho biết, con cá rất lạ, miệng và viền quanh mang vàng óng, thân có đường như sợi dây chạy dọc, chia thành 2 phần. Sau khi đưa con cá lạ này lên bờ, một số ngư dân khác đến xem và cho rằng đây là cá sủ vàng quý hiếm.
"Trước đây, anh em tôi từng bắt được hai con cá sủ thân màu trắng, nặng gần 10 kg. Thương lái bảo là cá sủ đất, mua 400 nghìn mỗi kg", anh Sơn nói và hy vọng con cá sủ màu vàng lần này sẽ bán được giá cao.
Trước đó, vào đầu năm 2018, thương lái Trung Quốc đã chi 1,5 tỷ đồng để mua cặp cá sủ vàng của ngư dân Khánh Hòa. Con cá lớn nặng tới 7kg, dài hơn 60cm; con còn lại nặng 2kg, dài khoảng 40cm.
Được biết, cá sủ vàng có tên khoa học là Otolithoides biauritus, còn được gọi là cá sủ vây vàng, cá sủ vàng kép hoặc cá thủ. Đây là loại cá lớn nhất trong họ cá đù thuộc bộ cá vược, kích thước có thể đạt đến 160cm, nặng trên 120 kg.
Trao đổi với Pv báo Người Đưa Tin, GS Mai Đình Yên, Khoa Sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết, loài cá sủ vàng được bán với giá rất cao, giá trị có thể lên đến hàng tỷ đồng tùy theo trọng lượng của cá. Sở dĩ loài cá này đắt bởi vì bóng hơi của cá có thể dùng để sản xuất chỉ khâu phẫu thuật tự hủy. Hiện Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước khác mới có thể sản xuất được loại chỉ khâu này, vì vậy Việt Nam thường xuất khẩu loài cá này sang các nước đó.