Những năm gần đây, mô hình trồng rau thủy sinh được nhiều nông dân trong tỉnh An Giang phát triển mạnh. Đây là cây trồng góp phần tăng thu nhập cho người dân trong mùa nước nổi. Trong đó mô hình trồng rau ngổ trên sông của gia đình chị Đặng Văn Thị Mỹ Đậm là ví dụ điển hình.
Gia đình chị Đậm có 7 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, canh tác trên diện tích 6.000m2. Do phần đất này ở ngoài đê bao, nên mỗi năm chỉ sản xuất được 2 vụ lúa. Mùa nước nổi, gia đình chị Đậm tận dụng diện tích mặt nước ở khu vực sông Hậu để trồng thêm rau ngổ với diện tích khoảng 1.000m2 tạo thu nhập cho gia đình.
|
Trồng rau ngổ tạo thu nhập cho bà con mùa nước nổi ở An Giang. |
Mỗi ngày, từ tờ mờ sáng gia đình chị Đậm tất bật bơi xuồng đi cắt rau ngổ để kịp bó và cân bán cho thương lái. Công việc này kéo dài đến 11-12 giờ trưa mới xong. Sau khi thu hoạch, gia đình chị Đậm cắt tỉa lá sâu, lá già, buộc lại thành từng bó rồi bán cho bạn hàng.
Bình quân mỗi ngày, gia đình chị Đậm thu hoạch vài chục kg rau, thu nhập từ 50.000-60.000 đồng. “Rau trồng tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên bà con yên tâm sử dụng”- chị Đậm cho biết.
Theo chị Đậm, rau ngổ là loại dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc. Loại rau này chỉ sống và phát triển tốt trên mặt nước. Sau nửa tháng trồng, cây bắt đầu đâm đọt, bắt rễ, vươn tược, lúc đó cắm cọc tre trên mặt sông để cây đan vào nhau, từ đó phát triển lan rộng ra nhưng không bị nước cuốn trôi ra giữa sông hoặc cuốn đi nơi khác.
"Đến lúc cây phát triển nhiều thì cắt tược bán. Lúc này, mỗi tược dài từ 40-50cm. Sau thời gian trồng từ 3-4 tháng bón 1 lần để cung cấp dinh dưỡng. Ngoài ra, trên cây rau ngổ thường bị sâu ăn lá gây hại nên phải phát hiện, điều trị sớm để tránh làm giảm năng suất, chất lượng”- chị Đậm thông tin.
Cũng theo chị Đậm, trồng rau ngổ mùa nước nổi cho năng suất cao hơn so thời điểm khác trong năm. Theo lý giải của chị, loại rau này thích hợp với nơi có nhiều nước. Thêm vào đó là mùa lũ, lượng phù sa dồi dào có trong nước cung cấp dinh dưỡng nên cây sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Ngoài ra, rau ngổ trồng trong mùa nước thân non, dài; lá mượt hơn so với những thời điểm khác nên được ưa chuộng và giá bán cũng cao hơn. Hiện nay, rau ngổ của gia đình chị Đậm được bán cho các thương lái trong xã, cũng như nhiều chợ trên địa bàn TP. Long Xuyên.
Giống như chị Đậm, trong mùa nước lũ, nông dân nhiều địa phương trong tỉnh An Giang canh tác các loại rau thủy sinh như: rau dừa, rau nhút, rau muống... để phát triển kinh tế gia đình. Các mô hình này có ưu điểm là không tốn quá nhiều công sức, thời gian trồng ngắn và có thể thu hoạch cả năm; chi phí canh tác thấp nên phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là đối với những nông dân nghèo, ít đất sản xuất.
Điều quan trọng, những loài rau thủy sinh là nông sản sạch (không phân, thuốc bảo vệ thực vật), góp phần bổ sung dinh dưỡng và làm phong phú thêm bữa ăn gia đình, vì thế luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Không những tận dụng diện tích mặt nước để tạo thu nhập, những mô hình này còn góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.