Một trang chuyên kinh doanh cây thuỷ sinh đang rao bán nhiều loại bèo, với mức giá khiến người nông dân giật mình. Bèo cái Nhật có giá 50.000 đồng/cây. Trong khi đó, cây lục bình có giá lên tới 100.000 đồng, mỗi gói 10 cây.
Như vậy, một cây bèo có giá lên tới 10.000 đồng. Mức giá này được xem là vô cùng đắt đỏ khi bèo tây sống đầy ao hồ ở Việt Nam.
Tương tự, trên một ứng dụng thương mại điện tử, bèo cũng được bán khá nhiều. Đơn cử 1 cây bèo cái to dùng cho thủy sinh có giá 8.000 đồng, bèo hoa dâu 7.000 đồng/100g. Trong khi đó, lục bình đang được bán khuyến mại với giá 3.000 đồng/cây.
Nhiều người cho hay, khi thấy bèo rao bán với giá đắt như vậy cảm thấy khá bất ngờ. "Nhà mình ở quê có mà đầy, nếu bán với giá này chắc mình thành tỷ phú luôn", một người nói.
Một thành viên khác tên Nguyễn Hoàn bình luận: "Tiền nhiều như lá là có thật. Ở quê bèo bỏ đi không hết mà mang lên mạng giá cao thật. Giờ bèo ở quê lợn cũng không ăn".
Theo tìm hiểu, các loại bèo được bán cho nhóm khách hàng chơi cây thủy sinh. Tuy nhiên, mặc dù rao bán như vậy nhưng thực tế rất ít người mua. Phần lớn họ xin nhau trên các hội chơi thủy sinh. Các đơn vị bán cây thủy sinh có đăng rao bán cả bèo nhưng phần lớn không có giao dịch.
Ngạc nhiên hơn, bèo tây (bèo lục bình) khi trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh chụp lại hai chiếc thùng xốp chứa toàn bèo tây tại một khu bán cây, hoa tại Nhật Bản.
Đáng chú ý, bức ảnh nhanh chóng trở nên "hot" bởi có hai tấm bảng gắn ở hai thùng bèo với nội dung in giá của một cây bèo là 80 yên Nhật, tức khoảng 16.000 - 21.000 đồng/cây nhỏ. Mức giá này được xem là vô cùng đắt đỏ khi bèo tây sống đầy ao hồ ở Việt Nam.
VTC đưa tin, ở Nhật Bản người dân còn thường xuyên mua bèo tây trong siêu thị về ăn, làm gỏi, chữa bệnh hoặc dùng để lọc nước. Cây bèo tây được phát hiện ra có công dụng rất tốt khi đắp vết thương, mụn nhọt, giảm sưng tấy, chống viêm hiệu quả.
Những thông tin trên khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi chúng là là loại cây khá "hot" tại Nhật Bản. Bởi, tại Việt Nam, từ trước đến nay vẫn có câu ví von "rẻ như bèo" do chúng mọc đầy ao hồ, kênh rạch, tại khắp các vùng miền ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, do mọc rất nhiều trong tự nhiên nên lượng bèo tây được khai thác là không đáng kể so với tốc độ sinh sản và phát triển mạnh như hiện nay. Thế nên, một số địa phương đã phải bỏ công sức, tiền của ra vớt bèo tây bỏ đi.
Theo y học cổ truyền, ngoài tác dụng làm thực phẩm, bèo tây còn có vị nhạt, tính mát, có tác dụng chữa sưng tấy, viêm đau như sưng bắp chuối bẹn, tiêm bị áp xe, chín mé, sưng nách, viêm tinh hoàn, viêm khớp ngón tay, viêm hạch bạch huyết,... Dân gian thường dùng phần phồng của cuống lá giã nát, thêm muối (5-8g trong 100 g bèo) đắp, bó.
Nhiều chuyên gia trong ngành cũng cho biết, bèo tây có rất nhiều công dụng. Thế nhưng, ở Việt Nam, bèo tây còn được sử dụng quá ít. Đặc biệt, ngay trong cách sử dụng đơn giản nhất là dùng bèo tây sạch (mọc ở những nguồn nước sạch) để ăn cũng ít người biết tới.