Thông tin từ HOSE cho biết, bà Đỗ Quỳnh Ngân - vợ ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, vừa đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu VPB bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Nếu mua thành công, bà Đỗ Quỳnh Ngân sẽ phải chi ra khoảng 410 tỷ đồng.
Đây là lần đầu tiên, người có liên quan tới ông Nguyễn Đức Vinh có giao dịch cổ phiếu VPBank kể từ khi ông Vinh về làm Tổng giám đốc VPBank từ giữa năm 2012.
Ông Nguyễn Đức Vinh được xem là CEO hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng, là người có công giúp VPBank trong 5 năm qua phát triển nhanh từ một ngân hàng nhỏ và vừa trở thành một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam.
Trong khi ông Vinh “vô sản” tại VPBank thì nhiều khả năng vợ ông sẽ lọt top 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Cũng tại VPBank, số lượng vợ đại gia nắm khối lượng lớn cổ phiếu rất nhiều. Bà Hoàng Anh Minh, vợ của chủ tịch Ngô Chí Dũng, hiện nắm giữ 4,83% cổ phần tại VPBank, trị giá khoảng 3 ngàn tỷ đồng. Bà Vũ Thị Quyên, mẹ của ông Ngô Chí Dũng, cũng nắm giữ 4,73% cổ phần. Cả mẹ và vợ ông Ngô Chí Dũng đều lọt top 15 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Bà Kim Ngọc Cẩm Ly, vợ của ông Bùi Hải Quân, Phó chủ tịch VPBank, đang nắm giữ 4,72% cổ phần VPBank. Bà Nguyễn Thu Thủy, vợ của ông Lô Bằng Giang, phó chủ tịch VPBank, cũng đang nắm giữ 3,31% cổ phần.
Bên cạnh đó, 2 nữ đại gia khác cũng nắm giữ một tỷ lệ khá lớn cổ phần tại VPBank: Trần Ngọc Lan (4,53%) và Nguyễn Phương Hoa (4,2%).
Hiện tượng nhiều nữ đại gia giấu mặt thay chồng nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu tại các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam là khá phổ biến.
Tại CTCP Tập đoàn Masan (MSN), ông Nguyễn Đăng Quang là chủ tịch đồng thời là tổng giám đốc của doanh nghiệp có quy mô khoảng 3 tỷ USD này nhưng chỉ nắm giữ vỏn vẹn 10 cổ phiếu MSN.
Ông Quang không nằm trong bất cứ một danh sách giàu có nào. Trong khi đó, bà Nguyễn Hoàng Yến, vợ ông Nguyễn Đăng Quang, đang nắm giữ hơn 28 triệu cổ phiếu MSN và hơn 261 triệu cổ phiếu Hàng tiêu dùng Masan (MCH) với tài sản quy ra từ cổ phiếu lên tới hơn 1,6 ngàn tỷ đồng.
Trên TTCK, giới đầu tư còn chứng kiến bà Phạm Thu Hương, vợ ông Phạm Nhật Vượng (chủ tịch Vingroup) nắm giữ gần 125 triệu cổ phiếu VIC, trị giá hơn 6,9 ngàn tỷ đồng. Bà Vũ Thị Hiền, vợ của ông Trần Đình Long (chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát HPG) nắm giữ hơn 110 triệu cổ phiếu HPG, trị giá hơn 4,3 ngàn tỷ đồng. Bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ tỷ phú Trịnh Văn Quyết nắm giữ hơn 22 triệu cổ phiếu ROS, trị giá gần 2,6 ngàn tỷ đồng,...
Ngàn tỷ khuấy đảo doanh nghiệp Việt
Gần đây, giới đầu tư chứng kiến những đại gia hàng đầu chuyển tài sản ngàn tỷ cho vợ con. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, bố chồng người đẹp Tăng Thanh Hà, đã chuyển phần lớn tài sản tại Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cho vợ là bà Lê Hồng Thủy Tiên (59%) và các con. Ông Hạnh Nguyễn chỉ còn nắm vỏn vẹn 1% vốn của công ty, trị giá còn lại khoảng 30 tỷ đồng.
Bà Thủy Tiên giờ trở thành nữ đại gia tỷ USD và là người quản lý hàng chục doanh nghiệp độc quyền phân phối các thương hiệu thời trang cao cấp, doanh thu hàng năm hàng trăm triệu USD.
Một công ty gia đình lớn khác của Việt Nam cũng có những động thái chuyển giao cổ phần tương tự. Ông Trần Quý Thanh không còn sở hữu chức vụ gì tại Tân Hiệp Phát. Toàn bộ phần vốn của Tân Hiệp Phát hiện cũng do vợ ông là bà Phạm Thị Nụ cùng 2 con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích nắm giữ.
Cũng tại Masan, giới đầu tư cũng đã từng chứng kiến ông Hồ Hùng Anh đăng ký chuyển cả ngàn tỷ đồng cổ phiếu sang cho vợ là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy.
Tại CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), bà Lê Thị Thúy Hải, vợ của ủy viên HĐQT Đặng Quốc Dũng hiện đang sở hữu gần 6,4 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 7% cổ phần doanh nghiệp này, nhiều hơn số cổ phần mà ông Dũng nắm giữ.
Tại Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Công ty TNHH MTV Tâm Thiện Tâm do bà Hoàng Thị Xuân Hương, vợ ông Lê Phước Vũ làm Chủ tịch kiêm Giám đốc hiện nắm giữ hơn 24,2 triệu cổ phiếu HSG (tương đương gần 7%).
Trong vài năm gần đây, xu hướng các đại gia Việt chuyển khối tài sản khổng lồ lên tới hàng trăm, ngàn tỷ đồng cho vợ con nắm giữ, trong khi mình giảm dần tỷ lệ sở hữu ngày càng phổ biến.
Việc thay/cùng chồng nắm giữ tiền của gia đình không phải là hiện tượng lạ. Nhiều người vợ không hề nắm quyền kinh doanh trong doanh nghiệp nhưng vẫn là những cổ đông lớn trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có không ít nữ đại gia có tài sản và mảng kinh doanh riêng của mình.
Bà Đặng Ngọc Lan, vợ của ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) hiện vẫn là cổ đông nắm giữ hàng chục triệu cổ phần ACB của Ngân hàng Á châu sau vụ án khiến bầu Kiên phải ngồi tù. Tài sản của bà Lan quy ra từ cổ phiếu ACB trị giá gần 1,3 ngàn tỷ đồng.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, chủ tịch CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) gần đây nổi lên khi giá cổ phiếu PNJ gần đây tăng cao kỷ lục mọi thời đại. Túi tiền của bà Dung nhờ đó phình to hơn 1,1 ngàn tỷ đồng, quy ra từ gần 10 triệu cổ phiếu PNJ. Bà là nữ doanh nhân thành công, bất chấp chồng là ông Trần Phương Bình vướng vòng lao lý, liên quan tới hoạt động của Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB). Các con ông Trần Phương Bình là những tiểu thư giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.