Lạ lùng giống mai vàng đẹp tuyệt trên dãy núi Yên Tử

Google News

Hoa mai vốn có màu vàng tươi, tượng trưng cho sức sống tràn đầy trong ngày xuân của đất trời phương Nam. Thế nhưng, ít ai biết rằng giữa đất Bắc lạnh giá cũng có mai, lại là giống mai vàng sinh trưởng trên dãy núi thiêng Yên Tử (Quảng Ninh).

 Ngày xuân, cả rừng hoa nở rộ, nhìn xa như tấm áo cà sa vàng rực phủ lên non thiêng Yên Tử.

Những đại lão mai vàng “độc nhất vô nhị”

Trong một lần tình cờ về thăm lại Yên Tử, tôi được nghe câu chuyện về một loài hoa sinh trưởng trên những vách đá dựng đứng ở độ cao gần 1 nghìn mét. Loài hoa cổ thụ này có tuổi đời trên 700 năm, gắn liền với những huyền thoại kỳ bí của thiền phái Trúc Lâm, được người đời tôn kính gọi: đại lão mai vàng.

“Để mục sở thị được đại lão mai, ít nhất chú cũng phải bỏ ra một nửa ngày để leo núi. Chân phải cứng, chí phải bền mới mong sờ tận tay, trông tận mắt “cụ” được” - anh Lê Trọng Thanh, Phó giám đốc Công ty CPPT Tùng Lâm - Yên Tử khuyến cáo khi biết tôi có ý định leo núi “săn” mai.

Chọn một ngày nắng đẹp, chúng tôi quay lại Yên Tử với quyết tâm tận mắt chiêm ngưỡng loài hoa được xem là “độc nhất vô nhị” này. Từ sáng sớm, hòa mình cùng dòng người đi lễ Phật dọc theo từng bậc đá dựng đứng bám lỳ vào lưng núi. Khi những giọt sương mai còn đọng trên lá, nhóm chúng tôi quyết định đi bộ thay vì ngồi cáp treo để có thể chiêm ngưỡng được nhiều hơn những cây mai cổ thụ mọc rải rác ở lưng chừng núi.

“Để có thể tìm được nhiều “cụ” mai nhất thì nên khám phá khu vực núi phía sau chùa Hoa Yên, sau đó qua chùa Một Mái rồi vòng về thác Vàng. Những khu vực này tập trung nhiều đại lão mai và có nhiều cây cao, lớn với độ tuổi thuộc vào hàng ‘ngoại thất bách niên’ (ngoài 700 tuổi)” - anh Thanh vừa đi vừa giải thích.

 Ðại lão mai có hoa sắc vàng, bông lớn, 5 cánh xòe rộng, lộc xanh, có mật cho ong hút và đặc biệt, trời càng lạnh, hoa càng tỏa hương thanh khiết.
Trong sương sớm, mây mù vẫn còn quẩn quanh trên các ngọn cây. Cả khu rừng như còn đang ngái ngủ, tiếng người rầm rì nói chuyện lúc xa, lúc gần. Chợt anh Thanh chỉ tay lên vách đá cách chúng tôi chừng 50 mét - “Kia là cụ mai thường nở hoa sớm nhất khu vực này và cũng tàn muộn nhất. Chỉ nhìn thế thôi chứ rất khó để trèo lên vách đá đấy”. Nhìn theo hướng tay, tôi không nhìn rõ đâu là cụ mai như anh nói, xung quanh toàn thấy cây với cây, chốc lại lộ ra những tảng đá lớn nằm cheo leo bên vách núi.

Thấy tôi có vẻ phân vân, anh Thanh giải thích, để có thể phát hiện ra một cây mai Yên Tử giữa bạt ngàn rừng núi, chỉ cần nhìn vào sắc lá. Lá của mai Yên Tử hoàn toàn khác biệt với những loại cây xung quanh. Lá xanh mướt mỏng manh nhưng chỉ nhìn từ xa, màu xanh ấy khác biệt hoàn toàn và luôn nổi bật giữa vô vàn cây khác. Ngay khi còn là chồi non, mai Yên Tử cũng đã có một màu xanh đặc biệt chứ không như chồi non của mai vàng miền Nam, lúc nào cũng có màu đỏ thẫm.

Theo những cao niên trong vùng Thượng Yên Công, mai vàng Yên Tử có sức sống vô cùng mãnh liệt. Cho dù bị bão quật, sét đánh, cháy rừng, chỉ cần còn lại nửa thân, một chút gốc, hay vài chiếc rễ trơ trọi trên vách đá thì vẫn tiếp tục nảy mầm và sinh sôi phát triển, đơm hoa tạo nên những cây mai độc đáo, có hình thù vô cùng đặc sắc.

Giống Mai vàng được bảo tồn phần nào nhờ vào những viên đá rừng vì rễ mai thường len lỏi trong các khe đá, quấn vào đá để sinh trưởng và tránh bị rửa trôi. Chẳng thế mà một số nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về mai vàng Yên Tử gọi đây là mai ký đá bên cạnh những tên gọi thân thuộc khác như Kim Liên Mộc hay mai vàng Yên Tử.

 Cụ Trần Văn Long, 70 tuổi, người chăm sóc vườn mai dưới chân núi Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, Quảng Ninh.

Huyền thoại đại lão mai vàng

Tương truyền rằng, thế kỷ 13, sau khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và lên núi Yên Tử tu hành, Ngài cùng các phật tử trồng cây mai vàng. Sau hàng thế kỷ, những cây mai trở thành rừng mai cổ thụ rộng lớn. Khảo sát của các chuyên gia năm 2009 cho thấy, rừng mai vàng ở Yên Tử có những cây cao hơn 15m, thân gân guốc, đường kính tới 60-70cm, sinh trưởng mạnh mẽ trên vách đá cheo leo.

Mai vàng Yên Tử được khẳng định là cùng họ với mai vàng miền Nam và là một loài quý hiếm. Cũng sắc vàng, bông lớn, nhưng giống mai xứ Bắc lại có vẻ đẹp riêng, 5 cánh xòe rộng, lộc xanh chứ không đỏ, có mật cho ong hút và đặc biệt, trời càng lạnh, hoa càng tỏa hương thanh khiết. Mai vàng Yên Tử càng trở nên quý hơn bởi sống trong rừng già đầy sương gió, có sức sống bền bỉ, kiên cường. Ngày xuân, cả rừng hoa nở rộ, nhìn xa như tấm áo cà sa vàng rực phủ lên non thiêng, mang vẻ đẹp nhân văn và giá trị tâm linh gắn với thiền phái Trúc Lâm đầy sâu sắc, ý nghĩa.

Dọc đường đi, anh Thanh luôn kể những huyền thoại về loài mai “độc nhất vô nhị” này. Thiền phái Trúc lâm Yên Tử được vang danh và có sức ảnh hưởng lớn qua nhiều thế kỷ một phần là do Phật hoàng Trần Nhân Tông đã có công khai sáng. Nhưng để có được như ngày hôm nay chính là nhờ địa linh Yên Tử, nơi hội tụ tinh hoa của trời đất, nơi phát quang tam bảo, phổ độ chúng sinh.

Xưa kia, khi các nhà sư thiền tu thường chọn ngồi dưới những gốc cây tùng cổ thụ. Theo họ, tùng là loài linh mộc hút khí trời, khi ngồi thiền tịnh dưới gốc cây sẽ xóa bỏ mọi sân si, còn đường hành đạo sẽ sớm viên thành. Nhưng để đạt được cảnh giới thiền tu, người tu hành phải chọn một đại lão mai đang đơm hoa để ngồi thiền tu trong 3 tháng.

Theo triết lý Nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm, mai vàng Yên Tử không chỉ là loài hoa biểu tượng cho sự thanh bạch, vẻ đẹp thanh tao, mà còn là biểu tượng của sức sống bền bỉ của người Việt. Chính sức sống nội tại, quá trình nảy mầm, phát triển và đơm hoa trong những điều kiện khắc nghiệt nhất về thời tiết và địa hình cùng với truyền thuyết về nguồn gốc gắn với Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông đã mang lại cho mai vàng Yên Tử những ý nghĩa và giá trị nhân văn, giá trị lịch sử sâu sắc gắn với tư tưởng triết học của phật giáo Việt Nam và đưa mai vàng Yên Tử lên vị trí cao nhất, độc đáo nhất trong các loài hoa.

Khi được tận mắt chứng kiến và đứng dưới tán của đại lão mai vàng giữa rừng thiêng Yên Tử, được nghe những huyền thoại về một loài hoa gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm. Chúng tôi như lạc vào một thế giới khác, một thế giới yên bình.

Để phát huy giá trị thương hiệu của mai vàng Yên Tử, hàng năm, UBND Thành phố Uông Bí tổ chức Lễ hội Mai Vàng Yên Tử vào dịp đầu xuân.

Rời Yên Tử, chúng tôi dừng lại ngắm nhìn thêm một lần nữa “tấm áo cà sa” đang khoác lên non thiêng, mang vẻ đẹp nhân văn và giá trị tâm linh gắn với thiền phái Trúc Lâm đầy sâu sắc, ý nghĩa.


Theo Hoàng Dương/TPO

>> xem thêm

Bình luận(0)