Đứng trước tình cảnh cam bóc Phủ Quỳ đang có nguy cơ không thể tiêu thụ phải đổ bỏ vì khó tìm đầu ra, nên UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã phối hợp với doanh nghiệp tổ chức bán hàng qua livestream.
|
Cam bóc Phủ Quỳ của Nghệ An khó đầu ra. (Ảnh minh họa). |
Chị Nguyễn Ngọc Huyền - Giám đốc Mia Fruit, thành viên ban vận động hỗ trợ tiêu thụ và quảng bá cam, quýt do UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) thành lập, cho biết chỉ trong buổi sáng ngày 8/4, chương trình bán hàng qua livestream đã tiêu thụ được 72 tấn cam. Đặc biệt, phần livestream tham quan vườn cam của một Tiktoker nổi tiếng thu hút tới hơn 3,3 triệu lượt xem, 10.000 lượt tương tác, hơn 3.000 lượt bình luận.
Ban đầu, chương trình định tìm một người đại diện để livestream cùng nông dân nhưng không ngờ lại nhận được sự ủng hộ của nhiều người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, trong đó có anh Lê Thành Vân - Chủ tịch GUMAC, người nổi tiếng livestream theo phong cách nông dân về tận vườn hỗ trợ.
Ngoài livestream, ban vận động còn tổ chức bán sản phẩm qua sàn thương mại điện tử, website bán cam của chương trình và các thành viên như: Trang trại Nông sản Phủ Quỳ và Mia Fruit. Qua đây cũng thu hút nhiều đại lý ở Hà Nội, TP.HCM, Quảng Bình, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Phòng... đặt hàng, thậm chí có đại lý đặt tới 10 tấn.
"Chương trình cũng đang nghiên cứu một kế hoạch lâu dài cho việc ứng dụng livestream cho nông dân trực tiếp", chị Ngọc Huyền chia sẻ.
Lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp cho biết thêm, chương trình đang mua cho nông dân với giá 5 nghìn đồng - 6 nghìn đồng/1kg và bán ra cam loại 1 giá 150 nghìn đồng - 170 nghìn đồng/thùng 10 kg. Chương trình đã mang một làn gió mới về cách kinh doanh nông sản cho địa phương, nhất là trong bối cảnh Nghệ An còn khoảng hơn 10.000 tấn cam bóc Phủ Quỳ, một nửa là của huyện Quỳ Hợp.
Đại diện UBND huyện Quỳ Hợp khẳng định, trước khi có chiến dịch, người nông dân bán cam với mức giá 3 nghìn đồng - 4 nghìn đồng/1kg. Do các chương trình giải cứu không đúng cách, càng đẩy mức giá tại vườn xuống còn 1,5- 2 nghìn đồng/1kg.