Trong khi một số sản phẩm truyền thống như mũ cói, nón lá, nón quai thao hay khăn rằn của người miền Nam... đang ngày càng vắng bóng trên thị trường, thì lại được rao bán với giá cao trên trang mua bán trực tuyến toàn cầu Amazon.
Mức giá trung bình mỗi sản phẩm này tính ra tiền Việt hơn nửa triệu đồng, có sản phẩm giá cả triệu đồng nếu cộng cả thuế, phí vận chuyển... Mỗi chiếc nón quai thao được chào bán trên Amazon có giá 30-35 USD (700.000-800.000 đồng) một chiếc tuỳ kích thước. Nếu cộng thuế, phí vận chuyển, chi phí người mua bỏ ra khoảng 1 triệu đồng, cao gấp 5-6 lần giá bán trong nước (120.000-150.000 đồng một chiếc).
|
Mỗi chiếc nón quai thao đăng bán trên Amazon có giá 700.000 - 800.000 đồng, tuỳ kích thước.... |
Một sản phẩm bình dân khác gắn với hình ảnh người Việt là nón lá cũng được rao bán trên website thương mại điện tử toàn cầu với giá 17,11 USD một chiếc (gần 400.000 đồng), cũng cao trên 10 lần so với thị trường trong nước. Quảng cáo trên trang, người bán cho hay chỉ còn 11 chiếc nên khuyến khích khách đặt hàng sớm.
Mũ cói cũng là sản phẩm được rao trên website mua bán toàn cầu này. Trên Amazon, mỗi chiếc được chào bán khoảng 15 USD (gần 350.000 đồng) và sẽ miễn phí vận chuyển nếu khách mua từ 35 USD trở lên. Mức giá trên chưa kể thuế, phí vận chuyển để về đến tay chủ nhân. Nhưng thông thường với những món đồ mua trị giá dưới 50 USD (khoảng 1 triệu đồng) thì sẽ được miễn thuế VAT khi mua trên Amazon.
Mũ cói Việt Nam được đánh giá 4 sao và nhận được nhiều phản hồi của người mua trên Amazon. Nhiều khách đã từng mua sản phẩm này đều khẳng định chiếc nón đẹp, chất lượng và giá tốt nên “sẽ mua lại khi có nhu cầu”.
Nón lá, nón quai thao... là những sản phẩm truyền thống, gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt thướt tha trong tà áo dài, váy tứ thân. Để có được chiếc nón ưng ý đưa ra thị trường, các nghệ nhân làm nón phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn khéo léo của đôi tay người thợ. Quy trình làm nón bao gồm 9 bước: mở lá, ủi lá, chọn lá, bắt vành, xây lá, chằm, nức vành, đột đầu và cuối cùng là hoàn thiện.
Song vài năm trở lại đây, cùng với sự xuất hiện của nhiều loại nón, mũ thời trang đã khiến các làng nghề làm nón lớn nhất trong cả nước đang đứng trước những khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Đầu ra bấp bênh, hàng chủ yếu tiêu thụ trong các cửa hàng lưu niệm cho khách du lịch, hay phục vụ việc trang trí tại các sự kiện giao lưu văn hoá... các làng nghề sản xuất các mặt hàng này bị thu hẹp dần.
Chuyện các mặt hàng truyền thống Việt Nam có chỗ trên các kệ hàng online của các trang thương mại điện tử toàn cầu không còn là điều xa lạ. Gần đây mặt hàng chổi đót (chổi bông) của Việt Nam cũng được các nhà phân phối nhập và bán trên Ebay, Amazon với giá đắt gấp 10 lần trong nước. Hay mặt hàng cao sao vàng sau thời gian im ắng cũng được một số nhà cung cấp nhập và bán trên các trang thương mại điện tử này. Mỗi hộp cao sao vàng "xuất ngoại" có giá 8,5 USD (gần 200.000 đồng) gấp gần 40 lần trong nước được nhiều khách đặt mua.
Theo giới kinh doanh, giá trị của việc quảng bá sản phẩm Việt Nam trên các website thương mại điện tử nước ngoài không nằm ở số tiền, mà chủ yếu là để quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế....