KBC đính chính kết quả kinh doanh quý IV hụt trăm tỷ

Google News

Nhiều chỉ tiêu tài chính quý IV/2023 của Kinh Bắc bị sai lệch vì "sơ suất", điển hình doanh thu thuần giảm từ gần 1.094 tỷ đồng xuống 846 tỷ đồng sau khi đính chính, hay lãi sau thuế từ 150 tỷ đồng giảm xuống 131 tỷ đồng.

Mới đây, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã: KBC) của đại gia Đặng Thành Tâm vừa công bố thông tin đính chính hàng loạt các chỉ số trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023. Với những thông số mới được công bố, doanh thu thuần của doanh nghiệp này sụt giảm hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, theo nội dung đính chính mới được công bố của Kinh Bắc thể hiện, doanh thu thuần giảm từ gần 1.094 tỷ đồng giảm xuống còn 846 tỷ đồng; giá vốn bán hàng giảm từ 606 tỷ đồng xuống 470 tỷ đồng; lợi nhuận gộp giảm từ 487 tỷ đồng xuống 376 tỷ đồng so với nội dung trong báo cáo tài chính hồi quý IV/2023.
Bên cạnh đó, các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm 15 - 40% so với thông tin được công bố trước đó. Điều này dẫn đến khoản lợi nhuận trước thuế giảm từ 260 tỷ đồng xuống còn 213 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm từ xấp xỉ 150 tỷ đồng xuống còn 131 tỷ đồng.
Lý giải cho việc để xảy ra nhầm lẫn trên, Kinh Bắc cho biết do sơ suất bị lỗi tại trang số 5 và số 6 của báo cáo tài chính liên quan đến cột báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2023 gây ra chênh lệch.
Đồng thời, cũng theo giải trình của Kinh Bắc, lợi nhuận tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 là 131,3 tỷ đồng, đã tăng lên hơn 690 tỷ đồng so với mức lỗ cùng kỳ năm 2022 là 558,8 tỷ đồng là nhờ công ty tăng ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp.
Tuy vậy, trên báo cáo tài chính riêng, công ty vẫn ghi nhận khoản lỗ hơn tỷ đồng trong quý IV/2023, tương ứng giảm 125% so với cùng kỳ năm ngoái, do công ty chưa ghi nhận bàn giao đất khu công nghiệp cho khách hàng và cùng kỳ năm trước công ty được chia cổ tức từ các công ty con.
KBC dinh chinh ket qua kinh doanh quy IV hut tram ty
 KBC đính chính kết quả kinh doanh quý IV hụt trăm tỷ (ảnh minh họa: Internet).
“Sức khỏe” Kinh Bắc thế nào?
Đáng nói, mặc dù có sự sai sót trong kết quả kinh doanh quý cuối năm 2023, nhưng ban lãnh đạo Kinh Bắc cho hay các chỉ tiêu tài chính khác liên quan đến bảng cân đối kế toán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng như số liệu kết quả kinh doanh hợp nhất cả năm không thay đổi so với báo cáo công bố trước đó.
Tính chung cả năm 2023, doanh thu thuần của Kinh Bắc tăng gấp 6 lần so với năm trước, ghi nhận đạt mức 5.644 tỷ đồng. Theo thuyết minh cho thấy, đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu là doanh thu từ mảng cho thuê đất và cơ sở hạ tầng với hơn 5.247 tỷ đồng; doanh thu cung cấp nước sạch, điện, phí dịch vụ, xử lý nước thải mang về cho công ty 387 tỷ đồng; tiếp đến là doanh thu cho thuê kho, nhà xưởng và văn phòng với 145 tỷ đồng và doanh thu chuyển nhượng bất động sản gần 105 tỷ đồng.
Cùng đó, lợi nhuận gộp cả năm của Kinh Bắc đạt 3.686 tỷ đồng, tăng đến 14 lần so với cùng kỳ. Trong khi chi phí tài chính giảm hơn 24%, ở chiều ngược lại chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng vọt. Điều này khiến lợi nhuận sau thuế của công ty bị ăn mòn còn 2.218 tỷ đồng, chỉ tăng hơn 40% so với năm trước. Trong năm 2023, Kinh Bắc đặt mục tiêu 9.000 tỷ đồng doanh thu và 4.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 65,4% chỉ tiêu doanh thu và 55,4% chỉ tiêu lợi nhuận.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Kinh Bắc đạt 33.420 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Trong đó, 75% là tài sản ngắn hạn với các khoản phải thu ngắn hạn chiếm hơn 9.932 tỷ đồng. Lượng tiền mặt của Kinh Bắc giảm hơn phân nửa còn 786 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hàng tồn kho chiếm tới 37% tổng tài sản với trên 12.211 tỷ đồng, toàn bộ là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Trong đó, các dự án có chi phí lớn là: Khu công nghiệp và đô thị Tràng Cát (8.171 tỷ đồng), Khu đô thị Phúc Ninh (hơn 1.113 tỷ đồng), Khu công nghiệp và dân cư Tân Phú Trung (hơn 928 tỷ đồng), Nhà ở xã hội Thị trấn Nếnh (gần 660 tỷ đồng), Khu công nghiệp Nam Sơn – Hạp Lĩnh (gần 636 tỷ đồng), Khu đô thị Tràng Duệ (264 tỷ đồng).
Ngoài ra, Kinh Bắc cũng có gần 493 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án gồm: Dự án Viễn Đông Meridian Tower Khu ngoại giao đoàn Hà Nội (106 tỷ đồng), hệ thống cấp nước và xử lý nước thải thuộc Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh (gần 124 tỷ đồng), nhà máy cấp nước sạch thuộc Khu công nghiệp Quang Châu (hơn 50 tỷ đồng)…
Trong cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả trong năm 2023 giảm 22% so với đầu năm, xuống còn 13.226 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính còn hơn 3.659 tỷ đồng, giảm 52% so với đầu năm, chiếm 11% nguồn vốn của doanh nghiệp. Trong đó, vay dài hạn ngân hàng chiếm hơn 3.322 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Kinh Bắc là 20.194 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 17.845 tỷ đồng hồi đầu năm, bao gồm 7.676 tỷ đồng vốn điều lệ và 7.719 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Ở một diễn biến khác, đầu tháng 2/2024 vừa qua, Kinh Bắc vừa công bố ngày 22/2/2024 sẽ là ngày cuối cùng chốt danh sách tham dự đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 năm 2024. Thời gian và nội dung cuộc họp chưa được công bố.
Liên Hà Thái

>> xem thêm

Bình luận(0)