Quả dưa có giá bằng một chiếc xe hơi
Được ví như là "thịt bò Kobe" của thế giới, trái cây, dưa lưới Yubari nổi tiếng đắt đỏ bậc nhất thế giới.
Yubari King là một giống dưa lưới quý hiếm được liệt vào danh sách những giống thực vật cần được bảo tồn tại Nhật Bản. Thời kì phong kiến Nhật Bản, chỉ có các vua chúa hay người có địa vị cao trong xã hội mới được thưởng thức món dưa thơm ngon bổ dưỡng này.
|
Có những quả dưa lưới Nhật Bản giá đắt bằng cả chiếc xe hơi. |
Hiện nay, dưa lưới Yubari King thuần chủng được rao bán trên các trang web tại Nhật với giá cao ngất ngưởng trung bình khoảng 26 nghìn USD/kg (khoảng 548 triệu đồng).
Tháng 3/2016, tại phiên chợ bán buôn Sapporo Nhật Bản đã có sự kiện gây chấn động thế giới. Một cặp dưa lưới được trồng tại Hokkaido của vùng Yubari đã được bán đấu giá với mức kỷ lục là 3 triệu yên (tương đương 27.240 USD). Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của loại dưa đắt đỏ này, trước đó đã có một cặp dưa được đấu giá ở mức 2,5 triệu yên vào năm 2008 và 2014 tại Trung tâm bán buôn Sapporo.
Khách hàng muốn thưởng thức món ăn bổ dưỡng này với giá rẻ có thể chọn các loại lai giữa Yubari King và giống dưa đỏ với giá chỉ khoảng từ 50-100 USD/kg. Ruột dưa lai thường có màu cam sẫm hơn so với giống dưa thuần chủng nhưng không có sự thơm mát và vị ngọt dịu đặc trưng của Yubari King.
|
Dưa lưới Yubari có giá siêu đắt nhờ vẻ ngoài "sang chảnh" với vân vỏ rõ và mịn, ruột bên trong có màu vàng cam và hương vị ngon ngọt khác biệt. |
Điểm đặc biệt của việc mua Yubari King là các thương gia thương bán loại dưa này theo cặp bất chấp giá thành cao ngất ngưởng của nó bởi truyền thống của người dân địa phương. Người dân địa phương Yubari cũng không ham trồng ồ ạt giống dưa này, khiến cho giá của nó được đội lên cao gấp nhiều lần so với các giống dưa khác.
Yabari King là giống dưa vàng cực kỳ nổi tiếng của vùng Hokkaido nói riêng và Nhật Bản nói chung. Chúng thậm chí được dùng như một món quà xa xỉ vào mùa hè.
Mỗi trái dưa sẽ được đóng trong những chiếc hộp gỗ có màu vàng giống vỏ dưa, bên trong có lót xốp và vải trắng.
|
Dưa lưới Yubari được bán theo cặp và là món quà quý để chúc sự may mắn và cát tường. |
Vì sao dưa lưới Yubari lại có giá đắt đỏ như vậy
Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Yabari là vùng trồng dưa hấu ruột đỏ lớn nhất của Nhật. Chiến tranh khiến việc sản xuất bị đình trệ.
Khi hòa bình, người dân Yubari quyết định trồng măng tây và khoai tây thay cho dưa hấu, nhưng hiệu quả kinh tế không được như mong đợi.
Sau đó, một giống dưa được đưa từ châu Âu về, thích hợp với thổ nhưỡng Yubari và được người dân ở đây cải tạo thành giống Yubari King. Thương hiệu dưa Yubari King chính thức ra đời năm 1950.
|
Dưa lưới Yubari được lai chéo giữa hai giống dưa đỏ thượng hạng, và được trồng ở vùng Yubari có tro núi lửa Hokkaido trong thành phần đất trồng. |
Một hợp tác xã được thành lập để thu gom và tiêu thụ sản phẩm dưa Yubari King cho người dân tại đây. Mỗi trái dưa vàng Yabari King đạt chuẩn phải có hình tròn đều, vân vỏ rõ và mịn.
Thực tế, người trồng không được phép bán trực tiếp cho khách hàng mà phải thông qua hợp tác xã. Điều này vừa đảm bảo chất lượng dưa, tránh hàng giả, đồng thời giữ mức giá của Yubari King luôn cao ngất ngưởng.
Đất trồng loại dưa này là một hỗn hợp có thành phần từ tro bụi núi lửa. Người dân Yabari trồng loại quả trên trong nhà kính, từ tháng 2 khi tuyết tan tới tháng 5 thì thu hoạch. Mùa dưa kết thúc vào tháng 9.
Dưa thu hoạch được chuyển tới hợp tác xã để kiếm tra chất lượng và phân thành 4 loại dựa trên vị ngọt. Những quả quá nhạt hoặc quá ngọt đều bị loại.
|
Dưa Yubari King được gieo trồng, thu hoạch và phân phối với một quy trình khắt khe để khi đến tay người dùng là những sản phẩm chất lượng nhất. |
Dù tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu, dưa Yabari King đều được vận chuyển bằng đường hàng không để đảm bảo đến tay người tiêu dùng trong vòng 2-3 ngày sau thu hoạch. Khi đó, ruột vừa chuyển từ màu xanh sang màu cam và chúng có vị thơm ngon nhất.
Chi phí vận chuyển, tất nhiên, rất đắt đỏ, nhưng đều đã được tính vào giá bán. Người Mỹ có thể không hứng thú với một quả dưa trị giá hàng nghìn USD, nhưng điều đó chẳng là gì với những người Nhật vốn yêu thích sự hoàn hảo.