Ngày 29/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh khám xét đối với ông Trần Duy Tùng (34 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Phú) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ông Tùng là con trai ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV). Ông Trần Duy Tùng bị khởi tố do liên quan đến các sai phạm tại dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (trụ sở TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư.
"Siêu dự án" nông nghiệp
Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án vào năm 2015. Dự án có quy mô .200 con/năm, tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng.
Dự án được triển khai trên diện tích hơn 2.163 ha thuộc 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.
|
Dự án chăn nuôi bò sữa của Công ty Bình Hà. Ảnh: Baovephapluat. |
Để thực hiện dự án, tỉnh Hà Tĩnh điều chỉnh toàn bộ diện tích quy hoạch phát triển cao su, hoa màu, rừng sản xuất sang quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng cỏ. Hàng trăm ha đất rừng sản xuất, đất trồng hoa màu, trồng lúa của người dân các xã ở 2 huyện trên bị thu hồi.
Cùng với đó, dự án chăn nuôi bò giống còn được BIDV chấp thuận cho vay 3.162 tỷ đồng. Trong đó, vốn tín dụng dài hạn là 2.190 tỷ đồng, vay ngắn hạn để nhập khẩu bò giai đoạn 1 và 2 là 970 tỷ đồng... Năm 2016, dự án khởi công và hoạt động có sự góp mặt của ông
Trần Bắc Hà.
Mặc dù nhận được nhiều ưu ái, song sau gần 3 năm triển khai thực hiện, dự án mới đạt quy mô bình quân gần 15.000 con/năm, bằng 6% so quy mô đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Năm 2014, UBND tỉnh Bình Định có văn bản chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Anh Phú Bình Định đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao và vùng chăn nuôi bò sữa hộ gia đình tại thôn Diễn Khánh, xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn.
Theo dự án này, Công ty cổ phần Anh Phú Bình Định sẽ xây dựng một khu chăn nuôi công nghiệp theo hướng sinh thái, có hệ thống chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên vật liệu, không lạm dụng thuốc kháng sinh, chất hóa học, sử dụng công nghệ vi sinh làm kỹ thuật nền tảng và sẽ tái chế biến nguồn nước thải, các phế thải sau chăn nuôi thành các sản phẩm sạch. Dự án có tổng mức đầu tư 53 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dự án này sau không được chấp thuận do những bê bối liên quan ông Trần Bắc Hà.
Mời độc giả xem video: Ông Trần Bắc Hà khai gì? Nguồn: VTC1.
Khu phức hợp cao cấp hơn 2.900 tỷ đồng tại TP Quy Nhơn
Ngày 26/10/2017 UBND tỉnh Bình Định Quyết định chủ trương đầu tư cho Liên danh Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng, Công ty CP Tập đoàn An Phú và đối tác thực hiện dự án.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng thuộc sở hữu của bà Trần Lan Phương (con gái ông Trần Bắc Hà - nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV) và hiện do bà Phương làm giám đốc.
|
Ảnh phối cảnh Khu phức hợp cao cấp Thiên Hưng. |
Trong khi đó Công ty CP Tập đoàn An Phú do ông Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà) sáng lập và làm chủ tịch HĐQT.
Dự án Khu phức hợp khách sạn, thương mại và căn hộ cao cấp Thiên Hưng nằm trên khu đất K200 thuộc khu đô thị, thương mại, dịch vụ phía Tây đường An Dương Vương, TP Quy Nhơn, có diện tích đất khoảng 10.840 m2, tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là xây dựng khu tổ hợp thương mại dịch vụ, căn hộ cao cấp và khách sạn với quy mô gồm 2 tòa tháp cao 39 tầng, tổng số phòng là 576, trong đó 274 căn hộ cao cấp để bán hoặc cho thuê, 302 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí, spa...
Theo đăng ký, tiến độ triển khai và hoàn thành dự án của chủ đầu tư là từ quý 3/2017 đến quý 3/2020. Tuy nhiên, theo nguồn tin trên Baovephapluat.vn, đến thời điểm cuối tháng 3/2019, chủ đầu tư vẫn “án binh bất động” trong việc triển khai dự án trên.
Khu đô thị thương mại An Phú 300 tỷ đồng
Ngoài dự án Thiên Hưng, năm 2016, Cty CP Tập đoàn An Phú do con trai ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch HĐQT được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị thương mại An Phú với tổng vốn gần 300 tỷ đồng.
Khu đô thị An Phú triển khai trên mặt bằng rộng hơn 36.000m2 dọc mặt tiền đường Tây Sơn, cửa ngõ chính ra vào thành phố Quy Nhơn. Trong đó, diện tích đất nhà ở gần 13.643 m2, diện tích còn lại xây dựng các hạng mục dịch vụ thương mại và phụ trợ.
Dự án cổ phần hóa cảng Quy Nhơn
Tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn, sau giai đoạn cổ phần hóa, ông Trần Duy Tùng cũng từng là cái tên được nhắc đến với vai trò thành viên HĐQT. Theo đó, tháng 7/2016, HĐQT Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn đã bầu ông Trần Duy Tùng tạm thời làm thành viên HĐQT. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau khi có tin đồn liên quan đến cha mình là ông Trần Bắc Hà, ông Trần Duy Tùng rút lui vì lý do sức khỏe, bận bịu trong công việc ở Hà Nội.
Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố quyết định thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Bởi thông tin ngoài hạ tầng cơ sở và diện tích đất bạt ngàn, Cảng Quy Nhơn còn có 6 cầu tàu với tổng chiều dài 824 m, trong đó lớn nhất là cầu tàu số 6 có thể tiếp nhận tàu tải trọng 50.000 tấn giảm tải ra vào làm hàng. Theo nhiều chuyên gia về cảng biển, để có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 50.000 tấn, mức đầu tư xây dựng cho riêng cầu tàu này phải hơn 1.000 tỉ đồng. Cảng Quy Nhơn cũng sở hữu 165 phương tiện, thiết bị chuyên dùng trị giá hàng trăm tỷ đồng, trong đó, riêng cần cẩu bờ di động sức nâng 100 tấn có giá trên thị trường khoảng 150 tỷ đồng.