Không cần nói quá nhiều thì người dùng cũng hiểu máy điều hòa quan trọng như thế nào khi bước vào mùa hè với thời tiết nắng nóng như thiêu đốt hiện nay. Thế nhưng, không phải chiếc máy điều hòa nào cũng chạy một cách ổn định từ mùa này sang mùa khác, từ năm này qua năm khác mà không cần bảo dưỡng.
Một số người dùng không hay biết rằng, gas là một phần quan trọng của điều hòa. Sau một thời gian sử dụng, lượng gas bị hao hụt sẽ làm cho độ lạnh máy lạnh giảm tương ứng và khi hết gas máy điều hòa sẽ mất lạnh, thậm chí là ngừng hoạt động.
Theo các chuyên gia điện máy, gas của điều hòa là một trong những môi chất được bơm vào máy nén trong cục nóng (đặt ngoài trời, phân biệt với cục lạnh đặt trong nhà), có tác dụng làm lạnh. Việc hết gas cũng đồng nghĩa với khả năng làm lạnh của điều hòa giảm hoặc không thể làm lạnh.
|
Nạp gas đúng lúc cho điều hòa sẽ tăng độ bền của máy, không làm hao tốn tiền điện. |
Vậy khi máy lạnh hết gas thì sẽ có tác hại gì? Không chỉ dừng ở việc làm lạnh kém, điều hòa hết gas hoặc thiếu gas còn là nguyên nhân chính dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt. Bởi, khi hết gas, người dùng sẽ không cảm nhận được không khí mát lạnh như mong muốn. Do đó, thoi thói quen sẽ thường hạ thấp nhiệt độ hơn với hy vọng làm mát được căn phòng của mình.
Hậu quả, máy lạnh phải làm việc hết công suất dẫn đến hao tốn điện năng dù cho gia đình có dùng máy lạnh inverter tiết kiệm điện.
Bên cạnh việc “đốt tiền điện”, khi điều hòa hết gas mà vẫn cố chấp sử dụng, không nạp gas mới thì lâu dần, máy lạnh có thể bị hỏng hóc, kéo theo đó là chi phí sửa chữa tốn kém dành. Thậm chí, trong trường hợp xấu nhất, người dùng sẽ phải thay điều hòa mới.
Nếu không muốn hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt, không muốn làm giảm tuổi thọ điều hòa, trong quá trình sử dụng cần chú ý tới các dấu hiệu để biết được khi nào điều hòa thiếu gas và hết gas.
Có 3 dấu hiệu để nhận biết điều hòa thiếu gas. Cụ thể, khi bật máy lạnh lên, không cảm nhận hơi lạnh tỏa ra bên ngoài hoặc hơi lạnh bay ra quá yếu; dàn nóng bên ngoài cũng không thấy có hiện tượng hơi nóng thổi ra hoặc dàn lạnh bên trong nhà bị đóng lớp đá; ở một số dòng máy lạnh mới cao cấp có chức năng tự chuẩn đoán, người dùng có thể dễ dàng theo dõi được các thông số gas ngay trên chiếc điều khiển đi kèm của máy lạnh.
Khi có những dấu hiệu này cần phải nạp gas bổ sung cho máy điều hòa ngay. Tuy nhiên, theo chuyên gia điện máy, mỗi loại điều hòa tương thích với một loại gas nhau. Theo đó, trước khi gọi thợ điều hòa đến nạp gas cần phải xem xem máy điều hòa của gia đình mình dùng loại gas nào (thường loại gas tương thích với máy sẽ được nhà sản xuất ghi ở phần dàn nóng hoặc có thể search theo tên model máy điều hòa trên google hay đọc trong sách hướng dẫn sử dụng đi kèm với máy).
Hiện trên thị trường có 3 loại gas phổ biến nhất đang được sử dụng cho máy điều hòa chính là R410, R22 và R32.
Với gas R22: Đây là loại gas thường được sử dụng do có giá thành rẻ cũng như quy trình nạp gas khá đơn giản, không cần đòi hỏi nhiều về kỹ thuật cũng như thiết bị khi nạp gas. Đặc điểm của loại gas này là có khả năng dung nạp thêm tạp chất, nên khi thợ nạp gas chỉ cần đo được lượng gas cần nạp và có thể tiến hành nạp bổ sung mà không cần phải xả bỏ hết phần gas còn tồn đọng trong máy lạnh thường. Tuy nhiên, loại gas này làm lạnh tương đối kém cũng như nó gây hại đến tầng Ozon.
Gas R410: Thường có giá tầm trung, quy trình nạp tương đối phức tạp, yêu cầu tay nghề thợ nạp gas phải cao cũng như phải sử dụng đầy đủ các thiết bị chuyên dụng. Khi nạp gas R410, người thợ phải thay mới hoàn toàn cho dù bên trong hình có còn cặn gas cũ.
Gas R32: Đây là loại gas mới vừa được sử dụng trong năm 2014 trên các mẫu máy lạnh thiết kế ấn tượng, cao cấp. Loại gas này cũng tương tự loại gas R410 khi nạp là phải yêu cầu thợ kỹ thuật phải có tay nghề cao cũng như thiết bị chuyên dụng. Đặc điểm của gas này là có khả năng làm lạnh cực mạnh và ổn định (hơn 1,6 lần- R410A, hơn 6,1 lần R22) từ đó giúp máy lạnh nhà bạn tiết kiệm điện năng đáng kể.
Các chuyên gia điện máy cũng cho biết, chi phí nạp gas cho điều hòa không quá lớn, thường dao động từ 150.000 đồng tới khoảng 1 triệu đồng tùy chất lượng và khối lượng nạp. Do vậy, khi có dấu hiệu thiếu hoặc hết gas, các gia đình cần gọi thợ đếp nạp gas bổ sung ngay để tránh những tác hại không đáng có.