8 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD giảm mạnh
Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 7 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2% cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản của ngành nông nghiệp 7 tháng năm 2019, chỉ có nhóm hàng xuất khẩu lâm sản giữ mức tăng trưởng ổn định 16,1% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, nhóm mặt hàng cao su xuất khẩu khi tăng 10,7% về khối lượng và tăng 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
|
Giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tỷ USD đang giảm mạnh |
Trong khi đó có 8/10 nhóm mặt hàng xuất khẩu tỷ USD đang giảm, thậm chí có nhóm mặt hàng còn giảm mạnh ở mức 2 con số. Đơn cử, giá trị xuất khẩu mặt hàng gạo Việt giảm tới giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Tương tự, 7 tháng năm 2019, mặt hàng sắn xuất khẩu cũng giảm 16,1 về khối lượng và giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cà phê xuất khẩu cũng giảm 8,2% về khối lượng và giảm 19,3% về giá trị. Trong khi đó, điều xuất khẩu tăng 13,3% về khối lượng nhưng giảm 10% về giá trị.
Một số nhóm mặt hàng được đặt nhiều kỳ vọng và có sự tăng trưởng mạnh trong năm 2018, song sang năm 2019 cũng có dấu hiệu chững lại. Ví như ngành xuất khẩu rau củ quả 7 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu đã giảm 0,8%; tiêu cũng giảm mức tương tự.
Ngay cả thủy sản xuất khẩu - một trong 2 nhóm hàng được kỳ vọng sẽ cứu cánh cho sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm nay cũng đang có sự sụt giảm nhẹ về mặt xuất khẩu khi 7 tháng vừa qua giá trị xuất khẩu đã giảm 1% so với cùng kỳ.
Mục tiêu 43 tỷ USD xuất khẩu khó đạt
Trong cuộc họp giao ban tháng 7 vừa qua, Bộ NN-PTNT cho rằng, những tháng đầu năm tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản có dấu hiệu chững lại so với cùng kỳ năm 2018 do những thay đổi về chính sách của Trung Quốc, cũng như tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Vì thế, xuất khẩu nông sản dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khiến xuất khẩu nông lâm thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ.
|
Xuất khẩu thủy sản - mặt hàng được kỳ vọng cứu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm nay - cũng đang có dấu hiệu chững lại. |
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp sơ kết vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT thừa nhận, năm nay nông nghiệp Việt Nam chịu những thách thức rất lớn, điển hình như 3 lần dự báo tăng trưởng giảm của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến lượng cầu nông sản, ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 43 tỷ USD như kế hoạch đặt ra hồi đầu năm cũng được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ khó thành.
Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Cường cho rằng, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đạt 43 tỷ USD năm 2019, cần tập trung đẩy mạnh, nhanh hơn ở những ngành hàng Việt Nam đang có dư địa như kinh tế lâm sản, thủy sản do vẫn còn dư địa để phát triển.
“Đây là 2 khu vực cứu cánh cho mục tiêu tăng trưởng cũng như mục tiêu xuất khẩu, do đó 6 tháng còn lại phải tập trung bứt phá nhanh hơn nữa”, ông Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, ngành trồng trọt và chăn nuôi phải đẩy nhanh tái cơ cấu lại. Ví dụ, ngành chăn nuôi tập trung mọi giải pháp để chặn đứng lại dịch tả lợn châu Phi - giải pháp quan trọng để giảm thiệt hại, đảm bảo tốc độ tăng trưởng. Đi đôi với đó cần đẩy nhanh chăn nuôi gia cầm và đại gia súc, nhưng phải chú ý yếu tố bền vững.
Chưa kể, ngành nông nghiệp cần sẵn sàng tâm thế bởi dự báo 6 tháng cuối năm, thời tiết cực kỳ phức tạp. Nếu không có nhóm giải pháp tổng thể theo phương châm 4 tại chỗ trên tinh thần tích cực hơn nhiều lần thì chắc chắn không thể giữ đươc các thành quả mà toàn ngành đã cố gắng trong suốt thời gian qua, Bộ trưởng Cường chia sẻ.