"Thà bán rẻ còn hơn chết"
Năm 2011, khi đại gia Lê Thanh Thản tuyên bố giá bán chung cư 10 triệu đồng/m2, mức giá này rẻ hơn cả nhà ở xã hội, đã khiến thị trường bất động sản Hà Nội dậy sóng.
Chia sẻ về bí quyết kinh doanh, ông Thản nói: “Khi ít vốn và cả khi đã trường vốn, nên áp dụng sách lược mua rẻ để bán rẻ, hoặc kinh doanh lâu dài”, chính sách giá rẻ luôn là một “chiêu” bán hàng hay nhất”.
|
Ông Lê Thanh Thản nổi tiếng với hàng loạt dự án chung cư thương mại giá rẻ. Ảnh: Người đưa tin |
Với phương châm kinh doanh "thà bán rẻ còn hơn chết", đa số các dự án của ông Thản đều khá thành công khi đánh trúng vào phân khúc nhà thương mại trung bình, giá rẻ. Nhờ đó, nhiều người dân sống tại thủ đô, dù có mức thu nhập thấp nhưng vẫn có thể mua được nhà ở.
"Không thể cấm cò mồi"
Năm 2014, nhiều khách hàng khi mua căn hộ tại dự án VP5 Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải trả tiền chênh lệch lên tới hàng trăm triệu đồng.
|
Ảnh: Dân Việt. |
Giá gốc tại thời điểm mở bán vào khoảng 14-15,5 triệu đồng/m2. Thế nhưng, để mua được căn hộ tại những dự án này, khách mua phải trả thêm vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu cho người mua "lướt sóng" trước đó hoặc thông qua "cò - môi giới".
Trả lời câu hỏi về việc khách hàng phải trả tiền chênh lệch lên tới hàng trăm triệu đồng khi mua căn hộ tại dự án này, ông Thản cho hay, mỗi doanh nghiệp đều có một cách bán hàng riêng, miễn sao không vi phạm pháp luật. Còn chuyện "cò mồi, môi giới" ở ngoài thị trường, doanh nghiệp này "không kiểm soát và cũng không thể cấm họ làm chuyện đó".
"Việc rao bán từ tầng thứ 40 trở đi là việc của các sàn, người mua phải tìm hiểu kỹ"
Đó là phát ngôn của Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh khi trả lời truyền thông, trước sự hoang mang của nhiều khách hàng tìm hiểu thông tin, mua nhà tại sàn giao dịch bất động sản Mường Thanh về Dự án Kim Văn - Kim Lũ, hay còn gọi là Golden Silk.
Theo đó, toà CT11 khu dự án Kim Văn - Kim Lũ được phê duyệt có 38 tầng nhưng đã được xây vượt tầng. Sự việc bắt đầu từ khi dự án này được mở bán với 600 căn hộ có giá từ 10 - 14,5 triệu/m2. Trả lời báo chí ông Thản khẳng định CT11 chỉ có 39 tầng, việc rao bán từ tầng thứ 40 trở đi là của các sàn, người đăng kí mua phải tự tìm hiểu.
"Chạy chuyển đổi sang nhà xã hội có khi còn cao hơn là nhận được ưu đãi"
Trả lời truyền thông năm 2013, đại gia điếu cày cho hay doanh nghiệp của ông không có ý định vay vốn ưu đãi của Chính phủ, cũng như không có ý định chuyển các dự án sang diện nhà ở xã hội để được nhận ưu đãi.
Ông nói: "Chúng tôi làm là từ vốn tự có của công ty, làm thật, việc thật. Chúng tôi bán với giá đó, là do chúng tôi cắt giảm được hàng loạt khâu trong quá trình thi công dự án. Nói thật, chi phí để "chạy" chuyển đổi sang nhà xã hội có khi còn cao hơn là nhận được ưu đãi, nên chúng tôi không làm".
"Ai thích thì cứ đi kiện"
Năm 2013, 200 khách hàng mua căn hộ CT6 Tổ hợp chung cư và Thương mại Bemes (Phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) phản ánh chủ đầu tư tính sai diện tích căn hộ.
Lý giải về vấn đề này, đại gia “điếu cày” cho rằng, sở dĩ có hai hợp đồng như phản ánh của các hộ dân là do sai sót trong khâu đánh máy. Ông Thản cũng cho hay, có quá nhiều dự án, không có thời gian để thống kê những việc đó, còn việc “người dân kiện thì cứ kiện”.
"Tôi không biết"
|
Ảnh: Internet |
Vào năm 2017, khi rộ thông tin cho rằng các dự án do doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản đầu tư trên địa bàn TP. Hà Nội đều có dấu hiệu trốn thuế và dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý nhà ở, nhưng khi được hỏi, Thản cho biết, ông chưa nắm được các thông tin nêu trên.
Ông nói: "Tôi chưa nắm được và không có ý kiến gì. Tôi không biết".
"Ai bán dự án, tôi mua"
Tương đồng với châm ngôn kinh doanh “mua rẻ, bán rẻ”, vị đại gia “điếu cày” cũng từng tuyên bố sẽ mua bất kỳ dự án nào được rao bán.
Ông Lê Thanh Thản nói: “Doanh nghiệp nào có đất sạch, vị trí thuận lợi một chút, đã có đầy đủ thủ tục triển khai dự án mà không thực hiện được chúng tôi sẵn sàng mua. Tất nhiên, những dự án như vậy phải có giá rẻ hoặc chủ đầu tư chịu cắt lỗ, chúng tôi mới mua”.