Theo BCTC quý 1/2022 của CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), Công ty ghi nhận doanh thu giảm 26% xuống 2.918 tỷ đồng. Giá vốn cũng giảm tương đương so với doanh thu nên lãi gộp còn 66,6 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm về còn 3,5%.
Doanh thu tài chính ghi nhận mức gần 76 tỷ đồng từ 68 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng mạnh gấp 12 lần lên 11.870 tỷ đồng, trong đó chủ yếu gần 11.000 tỷ đồng là chi phí lãi vay.
Chi phí quản lý ghi nhận giảm gần 27% về còn 88 tỷ đồng. Song, CTD có lỗ liên kết 5.224 tỷ đồng, lỗ sâu hơn so cùng kỳ, bên cạnh đó lợi nhuận khác lại giảm về còn 2.332 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 68%.
Sau cùng thì CTD ghi nhận lãi sau thuế trong quý 1/2022 hơn 29 tỷ đồng, giảm 46% so quý 1/2021, con số này vượt với con số kế hoạch đưa ra là 20 tỷ đồng cho cả năm 2022.
Lý giải về kế hoạch thấp này, chủ tịch Coteccons ông Bolat Duisenov cho rằng phải nhìn vào yếu tố thị trường, lĩnh vực xây dựng là thị trường tự do và có nhiều bên tham gia cạnh tranh.
"Nhiều công ty cũng gặp khó khăn và sụt giảm mạnh biên lợi nhuận. Khi giá vật liệu tăng thì nhiều đơn vị cắt giảm chi phí dẫn tới ảnh hưởng chất lượng xây dựng. Nhưng Coteccons cần đảm bảo chất lượng và đảm bảo bàn giao đúng tiến bộ, không phải vì thị trường khó khăn mà công ty chuyển sang ngành khác mà luôn theo đuổi chuyên môn", ông nói.
Người đứng đầu doanh nghiệp còn cho biết Coteccons có kinh nghiệm và nhìn ra nợ xấu luôn phát sinh, do đó cần phải lập dự phòng tài chính. Ban thu hồi nợ cũng đang làm việc tích cực, nếu thu hồi được sẽ thu về rất nhiều lợi nhuận.
Tổng thể, công ty đang lựa chọn sẽ tập trung đảm bảo cuộc sống cán bộ nhân viên, chất lượng công trình, bàn giao đúng tiến độ, có kết quả xây dựng trong thời điểm khó khăn nên sẽ trích lập dự phòng lớn.
Tại ngày 31/3, doanh nghiệp dự phòng phải thu khó đòi 662 tỷ đồng, tăng thêm 1 tỷ đồng so đầu năm. Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 3.097 tỷ đồng, tăng thêm 530 tỷ so với đầu năm. Song, tiền và tương đương tiền giảm từ 884 tỷ đồng xuống 528 tỷ đồng.
Đáng nói, khoản vay nợ tài chính phình to khiến lãi vay tăng mạnh. Trong đó, vay nợ ngắn hạn tăng lên 135 tỷ đồng từ mức 1,7 tỷ đồng hồi đầu năm, đặc biệt CTD phát sinh mới gần 500 tỷ đồng vay nợ dài hạn.