Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa có quyết định về việc đưa cổ phiếu HVX của Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân vào diện cảnh cáo kể từ ngày 22/3/3024. Lý do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 là âm 60,7 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.
|
Cổ phiếu vào diện cảnh báo, Vicem Hải Vân lãi, lỗ sao? (ảnh minh họa: Vicem Hải Vân). |
Chi phí tăng cao, “bào mòn” lợi nhuận
Được biết, Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân có trụ sở chính tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiều, TP Đà Nẵng. Tại thời điểm kết thúc năm 2023, Vicem Hải Vân có vốn điều lệ hơn 415,2 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Xi măng Việt Nam nắm giữ 75,75% vốn điều lệ, tương đương 314,557 tỷ đồng; còn lại các cổ đông khác nắm giữ 24,25% vốn điều lệ, tương ứng 100,694 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán cho thấy, Vicem Hải Vân ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 512 tỷ đồng, giảm 32% so với năm trước. Giá vốn hàng bán giảm 24%, xuống còn 537 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp của Vicem Hải Vân âm đến hơn 25 tỷ đồng, trong khi đó năm 2022 lãi 39 tỷ đồng.
Theo báo cáo, doanh thu từ hoạt động tài chính đem về 20,8 triệu đồng cho Vicem Hải Vân, tăng 15,1%; lợi nhuận khác báo lỗ 1,3 tỷ đồng, con số này ở năm 2022 là lỗ 629 triệu đồng.
Trong khi đó, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp bất ngờ “đội lên” lần lượt ở mức gần 1,8 tỷ đồng và 29,2 tỷ đồng, tăng 55% và 6%, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 62 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 3,2 tỷ đồng. Mặt khác, chi phí tài chính là 6 tỷ đồng, giảm 24%. Đặc biệt, 100% chi phí tài chính của doanh nghiệp là chi phí lãi vay.
Sau khi trừ đi các chi phí, Vicem Hải Vân báo lỗ sau thuế đến 64 tỷ đồng, trong khi đó năm 2022 công ty lãi 1,8 tỷ đồng. Đây cũng là năm Vicem Hải Vân lỗ nặng nhất kể từ 2010.
Lý giải kết quả thua lỗ trên, Vicem Hải Vân cho biết, giá vốn trong năm tăng cao do trích khấu hao trạm trung chuyển tại Quy Nhơn, chi phí quản lý tăng do trích dự phòng nợ phải thu khó đòi và chi phí khác tăng do tiền thuế giá trị gia tăng xi măng xuất khẩu không được khấu trừ.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tại thời điểm 31/12/2023, Vicem Hải Vân có tổng tài sản ghi nhận hơn 686 tỷ đồng, giảm 11% so với hồi đầu năm, chiếm chủ yếu là tài sản dài hạn với gần 531 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền cũng giảm 57% về còn 7 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn của khách hàng 35,6 tỷ đồng, giảm 22%. Hàng tồn kho ghi nhận ở mức gần 107 tỷ đồng, giảm 16%; chi phí xây dựng cơ bản dở dang 13,4 tỷ đồng...
Về phía nguồn vốn, tại cuối năm 2023, nợ phải trả của Vicem Hải Vân là hơn 316 tỷ đồng, giảm 3,6% so với đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn là nợ ngắn hạn với hơn 315 tỷ đồng, giảm gần 4%, trong khi đó nợ dài hạn chỉ đạt ở mức hơn 567 triệu đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn đang chiếm hơn 99,8% nợ phải trả của Vicem Hải Vân. Ngoài ra, Vicem Hải Vân có khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lên đến 126 tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm và không ghi nhận khoản vay dài hạn.
Kết thúc năm 2023, Vicem Hải Vân có vốn chủ sở hữu đạt 369,5 tỷ đồng và ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm gần 61 tỷ đồng.