ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, các bộ ngành, địa phương đều báo cáo thực hiện khoán xe công hiệu quả nhưng số liệu từ Kiểm toán nhà nước công bố lại chứng minh ngược lại là điều khó hiểu, cần đánh giá lại.
|
Khoán xe công chưa hiệu quả. Ảnh: Tapchitaichinh |
Cụ thể, theo báo cáo của Kiểm toán công bố về việc sử dụng xe công trên cả nước trong năm 2019, cả nước có gần 40.000 xe ô tô công với chi phí bình quân hơn 300 triệu đồng/xe/năm, ngân sách nhà nước phải chi hơn 12.000 tỷ đồng để nuôi xe công mỗi năm.
Số liệu trên không thay đổi nhiều so với báo cáo của Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính) thống kê từ năm 2015. Theo đó, từ năm 2015, khi thông báo về tình hình sử dụng xe công, Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính đã cho biết, cả nước có gần 40.000 xe công, mỗi năm "ngốn" hơn 12.000 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu…).
Nhìn nhận vấn đề này, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng vấn đề này phải xem xét lại.
"Bộ Tài chính báo cáo các cơ quan, đơn vị được giao khoán xe công đều làm tốt và giảm được chi phí nhưng thống kê chung của Kiểm toán Nhà nước lại không thấy giảm?
Rõ ràng đã có sự vênh nhau trong thống kê số liệu, báo cáo giữa địa phương, Kiểm toán và các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chủ trương giao khoán xe công hoặc có tình trạng nơi này giảm, nơi khác lại tăng", ông Hòa nói.
Đặt vấn đề như vậy, ông Hòa cho rằng chính sách khoán xe công của Việt Nam thực hiện chưa đồng nhất, còn mang tính khuyến khích, tự nguyện, nơi thực hiện, nơi không vì thế kết quả đem lại không cao.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách khoán xe công chưa phù hợp, còn nhiều nhập nhèm, bất cập dẫn tới tình trạng đầu xe không giảm, chi phí vẫn vậy mà thậm chí tiền khoán còn có nguy cơ chảy vào túi cá nhân.
Vị đại biểu chứng minh, một số cơ quan bộ, ngành đang thực hiện cơ chế khoán cho một số chức danh lãnh đạo là 15 triệu/tháng. Tuy nhiên, thực tế lại được phát hiện, số tiền khoán 15 triệu này chỉ để giải quyết việc đi lại cho cán bộ, lãnh đạo từ nhà tới cơ quan, còn đi công tác, hội họp lại vẫn sử dụng xe công của nhà nước.
"Vẫn chiếc xe đó, lái xe đó, vẫn đưa rước cán bộ đi hội, họp như thế không có gì thay đổi. Trong khi đó, ngân sách lại còn mất thêm một khoản tiền khoán mười mấy triệu/tháng, nghĩa là khoán nhưng không tiết kiệm được mà tiền ngân sách chi ra còn đang có nguy cơ rơi vào túi của cá nhân. Như vậy là quá bất cập", ông Hòa nhận xét.
Từ thực tế trên, ông Hòa kiến nghị phải đánh giá lại toàn bộ mặt được và không được của cơ chế khoán xe công trong thời gian vừa qua. Qua đó đi đến kết luận có nên tiếp tục thực hiện khoán xe công hoặc nếu khoán thì phải khoán thế nào?
Ông Hòa cho rằng, nếu không có đánh giá minh bạch vấn đề này sẽ có tác động xấu tới tâm lý cũng như chủ chương trương chung đang được các địa phương khác thực hiện rất tốt.
Lấy ví dụ từ Cà Mau, một trong số ít các địa phương đang thực hiện rất hiệu quả chủ trương khoán xe công. Theo đó, báo cáo của Cà Mau mới đây cho biết, sau 1 năm thực hiện cơ chế khoán xe công, Cà Mau dự tính đã tiết kiệm được số tiền lên tới gần 17 tỷ đồng.
"Rõ ràng việc thực hiện khoán xe công không phải không thực hiện được mà nếu thực hiện được thì khả năng tiết kiệm cho ngân sách rất lớn vậy tại sao lại không quyết tâm làm?
Và vì sao có những địa phương làm tốt như Cà Mau lại không được nhân rộng, áp dụng công khai?", ông Hòa đặt câu hỏi.
Nhìn nhận chung, vị đại biểu đánh giá chủ trương khoán xe công là rất tốt, nhằm tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước, giảm chi tiêu thường xuyên, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, cách thực hiện còn chưa đồng nhất, chưa có chế tài bắt buộc nên ngân sách nhà nước hàng năm vẫn phải chi hơn 12.000 tỉ đồng để nuôi xe công, chưa kể hàng chục nghìn tỉ đồng để sắm số lượng xe công này, và còn thêm xe mới.
Do đó, tới đây, ông Hòa yêu cầu Bộ Tài chính cần thiết phải thực hiện rà soát, đánh giá lại toàn diện, khách quan về địa phương làm được hay chưa làm được, khó khăn vướng mắc cụ thể như thế nào để tìm giải pháp tháo gỡ.