Buổi chiều cuối tuần của những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, công nhân ở khu nhà trọ thuộc hẻm đường Võ Thị Nhờ (phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM) chia nhau mỗi người một việc, tất bật bày biện bàn tiệc tất niên. Một năm đầy khó khăn như vơi bớt trong bữa liên hoan sum họp nơi dãy trọ nghèo.
Ít việc, chị Đỗ Thị Anh Đào (45 tuổi, quê Bến Tre) cùng em gái không phải đến nhà máy làm việc nên đã dành cả ngày để phụ những công nhân khác chuẩn bị bàn tiệc tất niên.
|
Chị Đào và em gái cùng phụ chuẩn bị cho buổi tiệc tất niên của cả khu trọ (Ảnh: Nguyễn Vy). |
Chị Đào làm việc tại công ty chuyên sản xuất dụng cụ y tế. Thời gian qua, nhà máy bị giảm đơn hàng, chị không còn được tăng ca. Bình thường, chị có thu nhập từ 9 triệu đồng/tháng, giờ đây ít việc, lương chỉ còn khoảng 7 triệu đồng, vừa đủ trang trải cuộc sống ở thành phố.
"Tôi lên TPHCM đã hơn 10 năm, ở khu trọ này 5 năm rồi. Trong lúc khó khăn như thế này, công nhân như tôi cũng cảm kích vì ông chủ trọ tốt bụng, quan tâm người lao động. Không chỉ tiệc tất niên, ông còn thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ và tổ chức nhiều hoạt động chăm lo với công nhân ở trọ. Với người lao động nghèo, những việc đó khiến chúng tôi được an ủi", chị Đào nói.
Tất bật giữa nhóm nữ công nhân, ông Đặng Văn Hương (hay còn gọi là ông Mười Hương, 79 tuổi), chủ khu trọ, lom khom chuẩn bị thức ăn, quà tặng.
|
Tuổi đã cao, ông Hương vẫn cùng các công nhân ở khu trọ chuẩn bị đồ ăn, phần quà chung vui dịp Tết (Ảnh: Nguyễn Vy). |
Ngoài các món ăn, ông đặc biệt chuẩn bị 72 phần quà (gồm lương thực, thực phẩm trị giá hơn 300.000 đồng) từ tiền túi, cộng thêm một phần hỗ trợ của địa phương dành cho công nhân thuê trọ.
"Buổi tất niên có 6 bàn tiệc, hơn 40 người tham dự vì thời gian này người lao động ở khu trọ còn bận làm thêm bên ngoài, chưa kịp về tụ họp. Nhưng quà tặng thì tôi chuẩn bị đủ, phòng nào cũng có phần trao tận tay", ông Hương nói.
Vận hành khu phòng trọ từ năm 2003 tới nay, đã hơn 10 lần ông tổ chức tất niên cho người lao động tại đây. Khu trọ có 72 phòng, chỉ 10 người đăng ký ở lại thành phố ăn Tết. Vì thế, ông quyết định làm cơm liên hoan thật sớm để mọi công nhân đều được tham dự.
|
Các món ăn do gia đình ông Hương và công nhân ở khu trọ cùng nấu nướng, chuẩn bị (Ảnh: Nguyễn Vy). |
"Tổng chi phí tổ chức tiệc liên hoan và quà khoảng 35-40 triệu đồng. Dù năm nay kinh tế khó khăn, tôi vẫn cố thu xếp vẹn toàn, mang đến chút đầm ấm, niềm vui cho người lao động ở khu trọ, để người xa quê cảm thấy được an ủi sau một năm vất vả", ông Hương tâm niệm.
Ở tuổi 79, không làm được việc nặng nhọc nên ông chủ trọ nhẩn nha chuẩn bị từ tháng 10 đến nay, tính làm việc, lựa quà cho công nhân. Sang năm mới, ông Hương hi vọng có thể mở rộng thêm khu trọ giá rẻ, để nhiều người lao động có nơi ở, yên tâm làm việc.
|
Buổi tiệc tất niên được tổ chức tối 21/1, gần sát rằm tháng Chạp (Ảnh: Nguyễn Vy). |
"Mở khu trọ hơn 20 năm, tôi cũng có cho mình nhiều ký ức vui buồn. Thời gian đầu, có nhiều người đến ở nhưng âm thầm quỵt tiền trọ, bỏ đi hoặc gây chuyện mất an ninh trật tự, gia đình tôi cũng băn khoăn lắm.
Sau này, nhờ sự hỗ trợ, chia sẻ qua lại chân thành của chúng tôi với người thuê phòng, khu trọ dần ổn định, nền nếp hơn, nhiều gia đình công nhân chọn gắn bó lâu dài hơn", ông Hương nói.
|
Ông Hương cùng bà Nguyễn Thị Hồng Sen, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn lao động quận 7, trao quà tặng người lao động ở khu trọ (Ảnh: Nguyễn Vy). |
Bà Nguyễn Thị Hồng Sen, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn lao động (LĐLĐ) quận 7, cho biết địa bàn hiện có 28 khu trọ thuộc quản lý của quận. Thời gian qua, vì tình hình kinh tế khó khăn, cuộc sống của người lao động, đặc biệt là công nhân thuộc khu chế xuất Tân Thuận gặp nhiều biến động, chật vật.
Trong bối cảnh đó, LĐLĐ quận 7 cố gắng tổ chức thêm nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho đời sống người lao động trên địa bàn. Riêng dịp Tết, đơn vị đã chi 2,5 tỷ đồng tặng 5.000 phần quà (mỗi phần trị giá 500.000 đồng) tới người lao động.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại