Theo đại diện Bộ GTVT, thời gian Thủ tướng cho thí điểm hợp đồng xe điện tử là hai năm (1/1/2016 đến 1/1/2018), như vậy chỉ còn vài tháng nữa sẽ tổng kết thí điểm. Đánh giá ban đầu cho thấy việc áp dụng xe hợp đồng điện tử vừa qua tạo ra một lượng việc làm lớn, thu nhập cao cho người lao động và đáp ứng được nhu cầu lớn của xã hội. “Kết quả đánh giá hai năm sắp tới chắc chắn sẽ nêu ra các mặt ưu điểm và hạn chế. Theo đó, những gì chưa được quy định cụ thể, chi tiết thì Bộ GTVT sẽ bổ sung vào Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, kể cả sửa đổi quy định cho phù hợp” - đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh.
Bất an cho xã hội?
Trước đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội có văn bản gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành kiến nghị ngưng thực hiện Quyết định 24/2016 của Bộ GTVT về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” trong tháng 9/2017; đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá ngay các hệ lụy của kế hoạch thí điểm này vì được cho là đang gây ra nhiều bất an cho xã hội.
Nguyên nhân kiến nghị, theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, Bộ GTVT đã cố tình không giới hạn số lượng xe tham gia thí điểm mặc dù UBND TP Hà Nội và TP.HCM kiên quyết phản đối; làm cho xe hợp đồng dưới chín chỗ bùng nổ, mất kiểm soát khi lượng xe thí điểm chạy cho Grab - Uber tăng lên 50.000 xe chỉ trong 18 tháng. Đến khi tình trạng này trở nên nghiêm trọng, Bộ GTVT lại “đá quả bóng” trách nhiệm về cho UBND các địa phương và đẩy trách nhiệm quyết định lên Thủ tướng Chính phủ.
Theo nội dung kế hoạch thí điểm, các phương tiện tham gia thí điểm sẽ được dán logo riêng để phân biệt và quản lý. Việc quản lý logo được giao về các Sở GTVT là cơ quan quản lý trực tiếp phương tiện. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì Bộ GTVT đã giao cho các công ty sở hữu phần mềm (như Uber, Grab...) tự tạo và cấp phát logo cho phương tiện.
Trước những hệ lụy trên, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng Bộ GTVT cố tình lờ đi, không có bất cứ hành động nào để hạn chế tình trạng sai phạm trên.
|
Nhiều taxi truyền thống dán băng rôn phía sau xe phản đối Quyết định 24 của Bộ GTVT về thí điểm taxi điện tử. Ảnh: C.LUẬN |
Người dân đón nhận tích cực
Về những ý kiến trên, đại diện Bộ GTVT cho biết Quyết định 24/2016 của Bộ GTVT về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” thực chất là thí điểm hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng giấy. Việc triển khai thí điểm này giúp các đối tác thuận tiện hơn (không cần gặp nhau để ký hợp đồng), giảm chi phí cho xã hội, nâng cao năng suất lao động.
Đại diện Bộ GTVT cho hay hiện có tám đơn vị đã áp dụng công nghệ mới, sử dụng hợp đồng điện tử, thậm chí là công nghệ tối ưu hơn Uber, Grab. “Như vậy, vấn đề nằm ở chỗ một số đơn vị taxi truyền thống vẫn bảo lưu quan điểm của mình mà không chịu đổi mới để cạnh tranh. Không thể bắt Uber, Grab dừng hoạt động, bởi cái gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp được làm và đây là cuộc cạnh tranh rất sòng phẳng, bình đẳng” - đại diện Bộ GTVT nói.
Theo Bộ, loại hình Uber, Grab đi vào hoạt động được người dân đón nhận tích cực. Nguyên nhân do thái độ phục vụ thân thiện, giá cả minh bạch, chất lượng xe tốt. Đối với chức năng quản lý nhà nước, đại diện Bộ GTVT khẳng định xe hợp đồng hiện đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể là phải có giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu, thiết bị giám sát hành trình... Tuy nhiên, về giá thì taxi truyền thống có gắn đồng hồ nhưng xe hợp đồng điện tử có thỏa thuận giá từ trước nên việc áp dụng đồng hồ tính tiền với xe hợp đồng là không cần thiết. Bên cạnh đó, việc xử phạt các xe vi phạm quy định được thông qua thiết bị giám sát hành trình. “Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước đã quản lý về mọi mặt đối với loại hình này” - đại diện Bộ GTVT khẳng định.
Về quản lý số lượng xe, đại diện Bộ GTVT cho rằng theo Điều 6 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, UBND các tỉnh phải quy hoạch phương tiện vận tải trên địa bàn địa phương mình phù hợp với thực tiễn. “Như vậy, địa phương phải xem xét số lượng xe phù hợp với khả năng kết cấu hạ tầng và nhu cầu của người dân...” - đại diện Bộ GTVT thông tin.
Vẫn còn những ý kiến trái chiều
• Hiện nay taxi truyền thống bị ràng buộc nhiều thứ, trong khi đó loại hình Uber, Grab không chịu bất kỳ ràng buộc nào. Như vậy, ở đây có sự cạnh tranh không bình đẳng khiến cho nhiều tài xế phải nghỉ việc. Giờ những hãng taxi lớn không những lỗ lớn mà còn âm vốn. Nên chúng tôi chỉ muốn cạnh tranh bình đẳng, một sân chơi. Cũng vì bức xúc trên, nhiều hãng taxi đã dùng băng rôn dán phía sau xe để đòi sự công bằng.
Ông ĐINH VĂN SÁU, Giám đốc Công ty Cổ phần Hương Lúa, hãng taxi Hương Lúa
• Tôi hoàn toàn đồng ý với kiến nghị dừng khẩn cấp hoạt động của Uber, Grab của Hiệp hội Taxi Hà Nội. Nguyên nhân, thời gian qua Uber, Grab không tuân thủ pháp luật Việt Nam. Cụ thể, Đà Nẵng và Khánh Hòa tuyên bố chưa ứng dụng phần mềm này nhưng Uber, Grab vẫn bất chấp triển khai, tiếp đến là việc trốn thuế. Theo tôi, hiện nay chính sách là chưa công bằng với taxi truyền thống như các điều kiện ràng buộc về kiểm định, niên hạn xe... Vì vậy, chúng tôi vừa có văn bản kiến nghị đồng tình với Hiệp hội Taxi Hà Nội và đề nghị Chính phủ xem xét.
Ông TẠ LONG HỶ, Phó Tổng Giám đốc taxi Vinasun
• Uber, Grab thực chất là một phương thức kinh doanh mới, áp dụng công nghệ thông tin, một dấu hiệu thể hiện sự phát triển. Xu hướng này không thể cản được vì nó mang tính khách quan. Thực tế, xu hướng này tác động đến những hãng taxi truyền thống theo hướng bất lợi. Lẽ ra việc các hãng taxi này cần làm là phải thay đổi cho phù hợp với xu thế hiện đại, tiến bộ chứ không thể yêu cầu “dừng Uber, Grab cho tôi tồn tại”.
Tôi muốn nhắc lại, các hãng taxi có quyền kiaến nghị, đó là chuyện bình thường. Nhưng việc còn lại là của Nhà nước, của các cơ quan có thẩm quyền. Tôi tin rằng chẳng cơ quan nào bỏ việc thí điểm này cả. Bởi lẽ nếu bỏ việc thí điểm là đi ngược với xu thế, vi phạm quyền tự do kinh doanh đã được hiến định.
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
V.LONG - C.LUẬN ghi