Khánh Ngọc sinh năm 1991, quê ở Hưng Hà, Thái Bình. Cô tốt nghiệp một trường trung cấp dạy nghề, đi làm 5 năm dành dụm được 300 triệu đồng. Vì không muốn làm thuê nữa nên Ngọc quyết định sử dụng tiền tiết kiệm để kinh doanh, làm ăn riêng.
Bản thân cũng là người khéo tay, thích hợp với những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ nên sau một thời gian tìm hiểu, Ngọc quyết định đầu tư 30 triệu đồng theo một khóa học làm nail (làm móng) để mở cửa hàng. Kết thúc khóa học, Ngọc xin làm trong một spa, một phần để luyện tay nghề, phần nữa là để học hỏi kinh nghiệm kinh doanh, chăm sóc khách hàng từ những người đi trước.
|
Tính tổng cộng, Ngọc đầu tư khoảng 260 triệu vào cửa hàng nail trên thành phố (ảnh minh họa) |
“Sau 5 tháng làm thuê, tháng 1/2019, mình chính thức tách ra làm riêng. Mình tìm thuê một cửa hàng diện tích không quá rộng nhưng mặt tiền đẹp, nằm ngay mặt phố, dân cư đông đúc, gần các công ty, văn phòng với giá thuê 15 triệu/tháng, hợp đồng 6 tháng một lần. Còn lại tiền sơn gel, máy móc, ghế ngồi của khách, ghế ngồi của nhân viên, tủ biển, phụ kiện mình đầu tư hết 150 triệu. Mình cũng thuê thêm 3 nhân viên, trả lương cứng 4 triệu đồng và trả thêm theo năng suất làm việc cũng như thực tế doanh thu mỗi tháng. Tổng cộng, mình đầu tư hết khoảng 260 triệu vào cửa hàng”, Ngọc kể.
Nhờ vị trí cửa hàng khá đẹp, lượng người qua lại đông đúc nên ngay khi khai trương, việc làm ăn của cô khá ổn. Mất tháng đầu còn ít khách, từ tháng thứ hai, khách ra vào đều hơn. Cô chịu khó quảng cáo, chào hàng trên trang cá nhân, gửi card visit cho khách nhờ họ giới thiệu nên khách biết tới cửa hàng của cô ngày một nhiều.
Trừ mọi chi phí, trung bình một tháng cô thu về khoảng 20 triệu đồng.
Hợp đồng 6 tháng thuê nhà đầu tiên hết hạn, thấy công việc làm ăn ổn, tháng 7 năm đó, Ngọc ký luôn hợp đồng thuê mặt bằng 1 năm. Tuy nhiên, đến tháng 2/2020, dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát khiến công việc kinh doanh của Ngọc gặp nhiều khó khăn.
“Ảnh hưởng của dịch, khách tới cửa hàng làm móng ít hơn. Mặc dù mình cũng nghĩ nhiều cách chào mời khách nhưng không ăn thua. Thậm chí, mình còn nhận dịch vụ làm nail tại nhà nhưng vẫn không ổn. Doanh thu mỗi ngày một giảm, nhất là thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội thì doanh thu về không, trong khi tiền thuê mặt bằng đã trả. Để giữ chân nhân viên cứng tay nghề, mình phải trả cho họ lương cứng”.
|
Hết hợp đồng thuê mặt bằng, Ngọc quyết định chuyển cửa hàng nail về quê (ảnh minh họa) |
Sau mấy tháng chật vật xoay xở không tìm được lối thoát, nhận thấy dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chưa biết bao giờ mới dập được mà nguồn tiền thì có hạn nên cuối tháng 7/2020, hết hợp đồng thuê mặt bằng, Ngọc quyết định chuyển cửa hàng về quê ở Hưng Hà, Thái Bình.
Ngọc cho hay, cô đã cân nhắc rất nhiều trước khi đưa ra quyết định. Ngọc quan sát thấy khu vực cô ở quê mới chỉ có 1-2 cửa hàng nail, xét về mức độ cạnh tranh là rất ít, không như trên thành phố. Ngược lại, khách hàng sang, vip, tiềm năng thì chắc chắn không bằng. Song, về quê tiền thuê mặt bằng rẻ, lương nhân viên thấp cũng là một lợi thế.
Có sẵn trang thiết bị máy móc, phụ kiện, bàn ghế, Ngọc thuê một mặt bằng rộng 50m2 ở trung tâm huyện, gần cửa chợ với phí 5 triệu đồng/tháng, đầu tư thêm 20 triệu sửa chữa, trang trí nội thất, đèn điện cho cửa hàng. Cô thuê 2 nhân viên, trả lương cứng 3 triệu đồng/tháng.
“Các chi phí dưới quê đều thấp nên phí làm nail cho khách mình thu ít đi, chỉ bằng 2/3 giá trên thành phố. Các mẫu móng cũng đơn giản hơn. Nhờ dịch vụ tốt nên khách tự tìm đến rất nhiều. Đặc biệt, chi phí mặt bằng, trả lương nhân viên thấp nên dù nguồn thu từ khách thấp hơn hẳn ở thành phố, nhưng tính ra mỗi tháng mình vẫn thu về trên dưới 10 triệu”, Ngọc chia sẻ.
Ngoài ra, khi công việc ổn định, Ngọc còn nhận đào tạo trực tiếp tại cửa hàng và mở lớp dạy làm nail online. Riêng hai mảng này cũng giúp cô thu về trung bình 13-15 triệu đồng/tháng.
Ngọc nói thêm, nhờ chi phí sinh hoạt dưới quê rẻ hơn nên hàng tháng cô để dành, tích lũy được nhiều hơn. Trước trên Hà Nội, tháng kiếm được 20 triệu đồng, Ngọc tiêu ít nhất một nửa hoặc 2/3, chẳng để dành được mấy. Giờ về quê, trung bình một tháng kiếm được khoảng 25 triệu, cô chỉ tiêu từ 5 đến 7 triệu là thoải mái, còn 18-20 triệu tiết kiệm.
“Mùa dịch này, công việc kinh doanh ở quê không ảnh hưởng nhiều. Thi thoảng mình nghĩ, nếu cố bám trụ trên thành phố chắc giờ này mình cũng lao đao vì dịch. May mà mình quyết về quê sớm”.