Nhưng không phải nhiều người biết Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã mua lại quyền khai thác mỏ Đại Hùng chỉ với…1 USD.
Tháng 4 năm 1993, hợp đồng dầu khí PSC Lô 05-1A mỏ Đại Hùng được ký kết và tiến hành thăm dò, khai thác với nhiều nhà thầu đa quốc gia như Petronas Carigali Overseas (Malaysia), PVEP (Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí), Total (Pháp), BHPP (Australia), Đại Hùng Oil Development (Nhật Bản).
|
Giàn khoan dầu Đại Hùng. Ảnh: VTC news. |
Vào thời điểm ban đầu, công tác khoan thăm dò và chi phí cho các dịch vụ kỹ thuật khác là 394,35 triệu USD; trong khi cam kết tối thiểu là 178,70 triệu USD. Đến tháng 4 năm 1994, mỏ Đại Hùng cho tấn dầu đầu tiên và tính đến năm 1996, các nhà thầu đã khai thác được 7,5 triệu thùng dầu, trị giá 130 triệu USD.
Tuy nhiên, đây không phải là kỳ vọng ban đầu và cho thấy trữ lượng dầu ở mỏ Đại Hùng đã giảm đi đáng kể. Điều này làm các nhà thầu thất vọng và quyết định không tiếp tục khoan thêm vì sợ rủi ro và đề nghị phía Việt Nam điều chỉnh lại nội dung hợp đồng.
Cũng phải hiểu chi phí mỗi giếng khoan là hàng chục triệu USD. Đồng thời, những năm 90, giá dầu thế giới đang ở mức rất thấp, vậy nên đầu tư vào ngành dầu khí đem lại quá nhiều rủi ro.
Các nhà thầu liên doanh đã liên tục gây sức ép, buộc Việt Nam phải nhượng bộ bằng đủ các lý do và điều kiện, tuy nhiên sau nhiều cuộc đàm phán, vấn đề về mỏ Đại Hùng vẫn không được giải quyết.
Nhận thấy tình hình kinh tế lúc đó đang rất khó khăn, nếu tiếp tục khoan thêm thì thiệt hại sẽ rất lớn, nên các nhà thầu đã… “chuồn chuồn”, đầu tiên là Công ty Total (Pháp), bán lại phần vốn của mình cho Petronas Carigali và Đại Hùng Oil Development vào năm 1996.
Sau đó, là BHPP (Australia) cũng quyết định từ bỏ dự án này, chuyển nhượng toàn bộ cho Petronas Carigali. Năm 1997, công ty này với sự cho phép của Chính phủ Việt Nam đã trực tiếp điều hành dự án và tiếp tục duy trì khai thác các giếng đã có sẵn và khoan thêm một giếng mới với lưu lượng ban đầu chỉ 3000 thùng/ngày.
Nhưng công ty này cũng không kéo dài thêm được lâu hơn, vào đầu năm 1999, cùng với Đại Hùng Oil Development (Nhật Bản), hai công ty này cũng xin từ bỏ dự án.
Petro Vietnam đã giao lại dự án này cho Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro tiếp quản, trong gian đoạn này có cả sự tham gia của RVO Zarubezhneft của Nga. Sau khi trao đổi, Petrovietnam và RVO đã quyết định tiếp tục đầu tư thăm dò, khai thác và việc này được giao cho Vietsovpetro điều hành chính thức từ tháng 5 năm 1999.
Thế nhưng, cũng chỉ được một thời gian ngắn, do gặp quá nhiều khó khăn về mọi mặt mà sản lượng khai thác không đạt được như kỳ vọng ban đầu, công ty RVO của Nga cũng xin rút vào năm 2003, chuyển giao lại tất cả cho phía Việt Nam quyết định.
|
Petro Vietnam mua lại mỏ Đại Hùng với giá... 1 USD. Ảnh VTC news. |
Trước khi ký kết hợp đồng, các nhà thầu đã được cung cấp chi tiết và rất đầy đủ các tài liệu về vật lý- địa chấn… Và đều đánh giá mỏ Đại Hùng là một mỏ dầu khí lớn có trữ lượng từ 500 đến 1.000 triệu thùng dầu, tương đương với 70 đến 150 triệu tấn.
Nhưng sau nhiều lần khoan với kết quả không như mong đợi, các nhà thầu đã lần lượt xin rút và “ bỏ của chạy lấy người”. Nhưng trong nghề khai thác, khi đã rút khỏi dự án, thì phải thực hiện hàng loạt để “giải quyết hậu quả” như: Dọn sạch đáy biển; đổ xi măng lấp các giếng khoan (mà mỗi giếng có khi sâu hàng 3 đến 4 km)… Cho nên, chi phí là rất lớn. Vì vậy, các nhà thầu đã chuyển giao toàn bộ trang thiết bị máy móc phục vụ khai thác cho phía Việt Nam với giá… 1 USD!
Nhận lại mỏ, lúc đầu, không ít người nghĩ PVEP mua lại là chỉ để… bán sắt vụn. Nhưng, các cán bộ kỹ thuật của PVEP đã tính toán và tiến hành thăm dò thẩm lượng các giếng Đại Hùng 14X và 15X, thử lại giếng Đại Hùng 9X, đồng thời sửa chữa, hoàn thiện các giếng khoan khác… Quả nhiên, sau khi thăm dò, đã phát hiện ra thêm các giếng mới, có trữ lượng khá. Thế là năm 2005, mỏ Đại Hùng đã được khai thác lại.
Nhận thấy tiềm năng của mỏ Đại Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Đề án phát triển tổng thể mỏ Đại Hùng với tổng mức đầu tư là 731,821 triệu USD, trong đó bao gồm xây lắp giàn Đại Hùng 2 (DH-02), khoan thêm 11 giếng phát triển khai thác, xây dựng đường ống từ giàn đầu giếng về giàn Đại Hùng 1 (DH-01), sửa chữa lớn giàn DH-01.
Đến tháng 8 năm 2011, sau hai năm thăm dò, mở rộng mỏ, Giàn DH-02 chính thức đi vào vận hành thương mại. Đây là một thành công lớn, ngoài giá trị về thương mại thì nó còn chứng tỏ bản lĩnh, ý chí nội lực của ngành dầu khí Việt Nam, khi các công ty dầu khí có tiếng tăm, kinh nghiệm cũng phải bó tay. Và đến nay, mỏ Đại Hùng vẫn đều đặn cho mỗi ngày trên dưới 8.000 thùng dầu.