Những ngày này, người dân xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) bận rộn với việc thu hái na sầu riêng, bán cho thương lái. Trái na hay còn gọi là mãng cầu ta. Sở dĩ giống na này gọi là "na sầu riêng" bởi bề ngoài có gai, khá giống trái sầu riêng, kích thước lớn và thơm.
Sở hữu 350 cây na sầu riêng, anh Nguyễn Thanh Toàn, ngụ ấp Thạnh Lộc, xã Trung Thạnh, cho biết na sầu riêng vỏ mỏng, vị thanh mát. Đặc biệt, cây cho quả "khổng lồ", dài gần bằng một gang tay người lớn, nặng hàng kg.
|
Anh Nguyễn Thanh Toàn và hai trái na sầu riêng "khổng lồ" vừa thu hoạch trong vườn. Ảnh: H.T |
Anh Toàn kể, gia đình có 4.000m2 đất canh tác lúa, nhưng hiệu quả không cao. Tình cờ, anh được một người bạn cho ăn trái na “lạ” có xuất xứ từ Đài Loan (Trung Quốc). Ấn tượng với anh Toàn là trái na có kích thước lớn, đẹp mắt, ăn ngon…
Tìm hiểu trên báo đài về giống na “lạ” này, anh Toàn thấy “na sầu riêng” được trồng ở các tỉnh, thành phía Bắc.
Anh Toàn mua 1 cây giống na sầu riêng về trồng. Sau một thời gian chăm sóc, cây na phát triển tốt, cho trái to, trọng lượng từ 1 - 3kg/trái.
Từ đó, anh quyết định nhân giống “na sầu riêng”, chuyển 4.000m2 đất lúa sang trồng loài cây này. Theo đó, anh Toàn ghép giống na sầu riêng với gốc na Xiêm, cho ra 350 gốc na sầu riêng.
Cây na sầu riêng được trồng thấp, theo hàng thẳng tắp để tiện thu hoạch. Việc tưới nước, phân hay thuốc được giám sát chặt. Sau 2 năm từ lúc trồng, cây bắt đầu cho trái, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 4 tháng - thu hoạch 1 vụ/năm.
|
Trái na có gai khá giống trái sầu riêng, kích thước lớn. Ảnh: H.T |
Anh Toàn tiết lộ, điểm đặc biệt trong quy trình canh tác na sầu riêng là chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ, bởi loại cây này không chịu phân bón hóa học.
Khi cây ra trái được 2 tháng, để giữ cho hình dáng trái đẹp, màu sắc bắt mắt, hạn chế sâu bệnh, vi sinh vật tấn công, gây hại, anh Toàn bọc trái hai lớp.
Theo đó, trái na sầu siêng được bọc bên trong bằng túi lưới xốp mềm, bên ngoài là túi giấy chuyên dụng cho nông sản - đảm bảo chất lượng trái khi đến tay người tiêu dùng.
|
Bên trong trái na sầu riêng khi chín. Ảnh: H.T |
Ngoài ra, sau khi thu hoạch và đóng gói vận chuyển tiêu thụ, trái na sầu riêng được bọc thêm 2 lớp túi lưới xốp mềm để tránh làm dập phần vỏ gai.
“Người trồng na phải tuân thủ nghiêm ngặt các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây để có sản phẩm tốt. Điểm đặc biệt trong quy trình trồng na sầu riêng là phải sử dụng phân bón hữu cơ trước và sau giai đoạn làm trái, cây cũng cần thụ phấn bổ sung”, anh Toàn nói.
|
Na vừa thu hoạch trong vườn anh Toàn. |
|
Na sau khi thu hoạch được bọc thêm 2 lớp túi lưới xốp mềm để tránh làm dập phần vỏ gai. |
Hiện vườn na sầu riêng của anh Toàn thu hoạch vụ đầu tiên, sản lượng dự kiến đạt 3 tấn/năm và có thể tăng gấp đôi trong những năm tiếp theo.
Thương lái thường đến tận vườn thu mua toàn bộ na sầu riêng với giá từ 70.000 - 90.000 đồng/kg. Cao điểm dịp Tết có thể lên đến 150.000 - 200.000 đồng/kg. Nhờ trồng na sầu riêng, anh Toàn có thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.
Anh Toàn được xem là người đầu tiên ở huyện Cờ Đỏ trồng và nhân giống thành công na sầu riêng.
Tại hội thi “Nông dân áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) giỏi năm 2024” do Sở NN-PTNT TP Cần Thơ tổ chức, trái na sầu riêng đã được ngành nông nghiệp huyện Cờ Đỏ chọn để trưng bày, giới thiệu, thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, cơ quan, đơn vị ngành nông nghiệp thành phố.